Sai lầm của HLV Troussier: Chiến lược trẻ hóa cực đoan, lãng quên Quang Hải
Chiến lược trẻ hóa cực đoan và sự lạnh nhạt đến kỳ lạ với nhóm cựu binh là hai điều HLV Philippe Troussier cần thay đổi sớm nếu muốn ở lại tuyển Việt Nam.
Trận thua trước Indonesia ở lượt đi vòng loại World Cup vừa qua một lần nữa phơi bày những vấn đề cố hữu của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier. Vẫn là những cầu thủ trẻ được tin tưởng phạm sai lầm, vẫn là những cựu binh dày dạn bị bỏ quên, vẫn cách chơi quen thuộc từ đối thủ và cũng vẫn sự bất lực từ tuyển Việt Nam.
Khi sai số đã rất rõ ràng, khi kết quả tiêu cực là không thể phản biện, ông Troussier còn chờ gì mà không thay đổi nữa?
Niềm tin kỳ lạ và có phần bảo thủ
Đến lúc này, khó có thể bênh vực ông Troussier thêm nữa. Thất bại ở SEA Games, thất bại ở Asian Cup, thất bại ở vòng loại World Cup 2026, ông đã và đang thua ở tất cả nhiệm vụ chiến lược mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam vạch ra trong hợp đồng giữa họ. Điểm chung trong tất cả thất bại ấy là niềm tin kỳ lạ và thiếu hợp lý ông đặt vào nhóm cầu thủ trẻ, điển hình ở trận gặp Indonesia vừa qua là Võ Minh Trọng và Phan Tuấn Tài.
Trước khi ông Troussier lên tuyển, họ hiếm khi được triệu tập. Sau khi ông tiếp quản, họ được trao luôn suất đá chính. Ở vị trí trung vệ lệch trái của Tuấn Tài và hậu vệ trái của Minh Trọng, bóng đá Việt Nam đều còn những ngôi sao, những đàn anh đầy kinh nghiệm như Đoàn Văn Hậu, Vũ Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thanh Bình... Nhưng từ khi hai tài năng trẻ này được trọng dụng, không ai chen nổi vào vị trí của họ.
Bạn có muốn VFF sa thải huấn luyện viên Philippe Troussier?
Vấn đề là cả hai cầu thủ này đều đã cho thấy những hạn chế rõ ràng về năng lực, dẫn tới hàng loạt sai lầm đáng trách trong những trận cầu quan trọng.
Trước đó, giới chuyên môn đã nói rất nhiều về sự bất cập khi ông Troussier bố trí hai cầu thủ rất trẻ đá cạnh nhau ở cùng một cánh của tuyển Việt Nam. Cách bố trí ấy khiến toàn bộ khu vực này trở thành vùng dễ tổn thương khi Tuấn Tài hay Minh Trọng không có đủ kinh nghiệm để hỗ trợ cho người còn lại. Hậu quả là khu vực này đã liên tục bị các đối thủ khoét vào suốt thời gian qua.
HLV Shin Tae-yong thừa hiểu điều đó. Ông đã đối mặt với chính hàng thủ này, với chính những con người này ở Asian Cup và có thừa thời gian để tìm ra phương án tấn công. Ngoài tình huống làm bàn ở phút 52, Indonesia đã có ít nhất ba cơ hội rõ rệt để ăn bàn. Tất cả đều là những khoét thẳng xuống biên (hai lần ở cánh trái của Minh Trọng, một ở cánh của Xuân Mạnh).
Mỗi cầu thủ phải tự chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình. Nhưng để những cầu thủ mắc lỗi liên tiếp đá chính thì là vấn đề của HLV.
Đương nhiên, nói vậy không có nghĩa chiến lược trẻ hóa của HLV Troussier là thất bại hoàn toàn. Ông đã có những thành công mang tên Nguyễn Thái Sơn hay Nguyễn Đình Bắc. Cả hai đều cho thấy sự trưởng thành đáng kinh ngạc so với lứa tuổi. Nhưng sân chơi cấp đội tuyển, trong những giải đấu chính thức không hề là nơi hợp lý để tiến hành thử nghiệm hàng loạt kiểu vậy.
Và cần bao nhiêu thất bại nữa của tuyển Việt Nam để đổi lấy sự trưởng thành của họ?
Nếu bạn chưa biết, thua Indonesia tối 21/3 là thất bại thứ 6 liên tiếp của tuyển Việt Nam tính cả giao hữu và chính thức.
Quang Hải ở đâu?
Ngược với niềm tin kỳ lạ cho các tài năng trẻ, ông Troussier lại tỏ ra nghiêm khắc đặc biệt với nhóm cựu binh.
Băng ghế dự bị của tuyển Việt Nam hôm qua có Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Tiến Linh và đặc biệt là Nguyễn Quang Hải. Tất cả đều là trụ cột của thời kỳ Park Hang-seo, đều đã khẳng định được đẳng cấp cả tại đội tuyển lẫn V.League, thậm chí là ngôi sao, nguồn sống của đội tuyển trong một thời kỳ dài. Nhưng tất cả ngồi ngoài. Điểm chung của 5 người: Không ai đá chính thường xuyên dưới thời Troussier.
Danh sách này có thể điền thêm Đỗ Hùng Dũng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Hoàng Đức, những người sẽ không được ra sân nếu chẳng có hàng loạt chấn thương trước đợt tập trung.
Hôm qua, ba người họ đều đá chính trước Indonesia. Điều đáng nói là họ đều chơi tốt. Hùng Dũng cho thấy quyết tâm và nền tảng thể lực tốt ở tuổi 31, Tiến Dũng bổ sung kinh nghiệm cho hai trung vệ đàn em còn Hoàng Đức nổi bật ở tuyến trên với không ít tình huống xử lý bóng táo bạo, mở tới cơ hội. Họ giúp tuyển Việt Nam có được thế trận dễ thở hơn hẳn so với hồi Asian Cup. Phong độ cao của họ là chỉ dấu cho thấy họ vẫn chưa hết thời và hoàn toàn có thể phù hợp với triết lý của ông Troussier. Vấn đề là ông thầy người Pháp có gạt được cái tôi sang một bên để thừa nhận nhóm cầu thủ này?
Và đương nhiên, không thể nhắc tới Quang Hải.
Trước đợt tập trung này, Hải đang là chân sút nội tốt nhất V.League, tuyển thủ quốc gia có phong độ tốt bậc nhất. Sau khi tuyển Việt Nam thủng lưới ở phút 52, ông Troussier đã thực hiện tới 5 sự thay đổi chỉ trong hơn 20 phút, tất cả đều dành cho mặt trận tấn công. Nhưng không có Quang Hải.
Ông sẽ giải thích thế nào khi tuyển Việt Nam cần bàn thắng còn cầu thủ tấn công tốt bậc nhất, người có xác suất ghi bàn cao nhất lại ngồi ngoài?
Tất cả thuộc về trách nhiệm của HLV Troussier.
Trọng dụng cầu thủ trẻ và quay mặt với các cựu binh đã luôn là phong cách huấn luyện đặc trưng xuyên suốt sự nghiệp của Troussier. Nó đã giúp ông có những thành công vang dội tại châu Phi và nhất là tuyển Nhật Bản. Tuy nhiên, thành công trong quá khứ không hề là sự đảm bảo cho điều tương tự ở hiện tại.
Bức tranh bóng đá hiện đại cũng đã thay đổi đáng kể so với thời kỳ thành công cũ của Troussier. Sự phát triển của khoa học thể thao, tính chuyên nghiệp của cầu thủ đương đại đã kéo dài đáng kể tuổi thọ trong bóng đá. Cứ nhìn Ronaldo, Messi, Modric chơi bóng ở tuổi gần 40 là biết rằng tuổi tác giờ không còn là vấn đề lớn. Thế giới đã vậy thì Việt Nam chẳng có lý do gì đứng ngoài xu thế. Chúng ta không thể cứ khăng khăng một đường, bất chấp tất cả nhất là khi con đường của ta đang sai, đang mang về kết quả bất lợi.
Giờ đổi thay đã tới, ông Troussier.
Ý kiến ()