Sách về Bác Hồ ngày càng đa dạng, sâu sắc
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng cho ngành xuất bản thực hiện nhiều cuốn sách giá trị.
Có thể tạm chia hai mảng sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: Mảng sách nghiên cứu tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác; mảng sách thứ hai là nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đã được các nhà Hồ Chí Minh học trong và ngoài nước nghiên cứu hàng chục năm qua, kết quả nghiên cứu khá đầy đủ và toàn diện thể hiện qua hàng trăm đầu sách. Trong chục năm qua, các tác giả cũng chỉ làm sáng rõ thêm một số vấn đề như: Ai đã giữ gìn bản thảo tập thơ “Nhật ký trong tù” sau khi bị thất lạc ở Cao Bằng năm 1945? Nhà văn, nhà nghiên cứu dân tộc Tày, Hoàng Quảng Uyên nỗ lực nhiều năm mới tìm ra người giữ bản thảo gốc “Nhật ký trong tù” để gửi về Hà Nội là ông Hoàng Đức Triều, Chủ nhiệm Việt Minh chiến khu Lam Sơn (nay là xã Hồng Việt, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng). Nội dung khám phá mới đã được in thành cuốn khảo cứu, phê bình “Những điều chưa biết về “Nhật ký trong tù” (Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên, 2016).
Bộ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Kim Đồng.Ảnh do Nhà xuất bản Kim Đồng cung cấp. |
Mảng sách thứ hai được các tác giả, NXB đầu tư thực hiện nhiều hơn, có nhiều bộ sách giá trị. Tiêu biểu là bộ sách 11 tập “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ-Văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh” do NXB Hội Nhà văn thực hiện. Những công trình biên soạn tập hợp tư liệu tương tự xuất bản rất nhiều, có thể kể đến như: “Hồ Chí Minh: Danh ngôn tư tưởng và đạo đức” (NXB Thông tấn), “155 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam”, “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật), “Người Nga viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh” (NXB Thông tin và Truyền thông)…
Nổi bật là các cuốn sách thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong 5 năm qua, hàng trăm đầu sách đã ra đời, đa dạng, phong phú về chủ đề, phương pháp nghiên cứu tiếp cận; sâu sắc trong phân tích làm rõ tầm nhìn, tư tưởng, đạo đức của Người. Có thể kể đến các ấn phẩm như: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự” (Đại tướng, GS, TS Tô Lâm), “Hồ Chí Minh-Đồng hành cùng dân tộc” (GS, TS Mạch Quang Thắng), “Khát vọng Hồ Chí Minh-Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu” (PGS, TS Bùi Đình Phong); “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý giáo dục” (Học viện Quản lý giáo dục), “Hồ Chí Minh-Nhà ngụ ngôn kiệt xuất” (PGS, TS Nguyễn Thanh Tú)… Những đầu sách giá trị này được các NXB uy tín như: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Quân đội nhân dân, NXB Công an nhân dân, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, NXB Văn học, NXB Kim Đồng… ấn hành. Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trong kế hoạch xuất bản hằng năm, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh luôn xác định phải có những cuốn sách mới về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nhiệm vụ chính trị, đồng thời là tình cảm của NXB với Bác Hồ kính yêu. Chúng tôi chủ động đặt hàng các tác giả là những nhà nghiên cứu đầu ngành để có những bản thảo chất lượng phục vụ bạn đọc”.
Bên cạnh những cuốn sách văn học, lịch sử, biên khảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất được người đọc rộng rãi quan tâm, tìm đọc; mảng sách nghiên cứu, mang tính hàn lâm về Bác chủ yếu được hệ thống thư viện nhập về phục vụ độc giả diện hẹp hơn tham khảo. Chính vì thế, lãnh đạo nhiều NXB mà chúng tôi có dịp trò chuyện mong muốn Nhà nước dành thêm nguồn lực đưa vào kế hoạch sách do Nhà nước đặt hàng để xuất bản nhiều đầu sách về Bác.
Ý kiến ()