Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam - Những chỉ số đáng chú ý
Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được công bố, đã cho thấy bức tranh toàn cảnh, chính thống về khu vực doanh nghiệp (DN).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nội dung Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện nâng cao chất lượng dữ liệu. |
Những chỉ số được thống kê trong cuốn sách này là một kênh dữ liệu quan trọng để Chính phủ hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, kế hoạch và triển DN trên cả nước. Sau đây là một số chỉ tiêu, kết quả chính được nêu trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019.
1. DN đang hoạt động
Đây là những DN được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký DN, có mã số thuế, đang thực hiện việc kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật. DN đang hoạt động không bao gồm DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký, DN ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và DN hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Theo địa phương: Có 26/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 cao hơn bình quân cả nước, trong đó: Bình Dương tăng 17,4%; Bắc Giang tăng 15,7%; Sóc Trăng tăng 15,4%; Bắc Ninh tăng 15%…
Có 37/63 địa phương có tốc độ tăng DN đang hoạt động thời điểm 31/12/2018 so với năm 2017 thấp hơn bình quân cả nước, trong đó: Hà Giang tăng 0,3%; Bắc Kạn tăng 1,5%…
2. Mật độ DN đang hoạt động bình quân
Năm 2018 bình quân cả nước có 14,7 DN đang hoạt động trên 1.000 người dân trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 người dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước gồm: TP.HCM 54,4 DN; Hà Nội 41,1 DN; Đà Nẵng 38,6 DN; Hải Phòng 22,5 DN; Bình Dương 21,7 DN; Bà Rịa – Vũng Tàu 17,4 DN; Bắc Ninh 16,9 DN và Khánh Hòa 16,2 DN.
Có 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 người dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước gồm: Hà Giang 2,3 DN; Sơn La 2,5 DN; Tuyên Quang 3,0 DN; Cao Bằng 3,1 DN; Điện Biên và Bắc Kạn cùng 3,2 DN…
3. DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh
Là DN trong năm tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), có kết quả tạo ra hàng hóa, dịch vụ và có doanh thu hoặc phát sinh chi phí SXKD. Thuật ngữ này không bao gồm DN đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động SXKD; DN đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động SXKD, không phát sinh doanh thu, chi phí SXKD; DN tạm ngừng và ngừng hoạt động có thời hạn…
Tổng số DN đang hoạt động có kết quả SXKD do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.
Theo địa phương: Có 40 địa phương có tốc độ tăng số DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Bắc Giang tăng 33,7%; Hà Nam tăng 32%; Bắc Ninh tăng 28,6%; Hưng Yên tăng 28,2%; Hải Dương tăng 25,5%; Vĩnh Phúc tăng 25%…
4. Lao động của DN đang hoạt động có kết quả SXKD
Tại thời điểm 31/12/2017, tổng số lao động đang làm việc trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD là 14,51 triệu người, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2016.
Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù có số DN không nhiều nhưng thu hút nhiều lao động nhất với 9,3 triệu lao động, chiếm 64,4% lao động toàn bộ khu vực DN, tăng 2,8% so với năm 2016. Khu vực dịch vụ có tỷ trọng số DN lớn nhất trong toàn bộ khu vực DN nhưng thu hút lao động thấp hơn nhiều so với khu vực công nghiệp và xây dựng với 4,9 triệu lao động, chiếm 33,8%, tăng 5,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ thu hút được hơn 256,7 nghìn lao động, chiếm 1,8% lao động của toàn bộ DN, tăng 2,3% so với năm 2016.
5. Nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh của DN
Tổng nguồn vốn sử dụng cho SXKD của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2017 đạt 33 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng thời điểm năm 2016.
Theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN. Tại thời điểm 31/12/2017, khu vực này thu hút 21,3 triệu tỷ đồng cho SXKD, chiếm 64,6% vốn của toàn bộ khu vực DN, tăng 19,3% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút 11,3 triệu tỷ đồng, chiếm 34,4%, tăng 14%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút 332,2 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 1%, tăng 28,6%.
6. Doanh thu của DN đang hoạt động có kết quả SXKD
Năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của DN (tăng 17,5%).
Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất về doanh thu thuần với khối lượng doanh thu thuần năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2016. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,55% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN, tăng 32,4% so với năm 2016.
Theo địa phương: Có 21/63 địa phương có tốc độ tăng doanh thu thuần cao hơn mức tăng chung cả nước. Các địa phương có tốc độ tăng doanh thu thuần của DN năm 2017 so 2016 trên 40% gồm: Hưng Yên tăng 99%; Bình Phước tăng 55,6%; Bắc Ninh tăng 43,8%; Lạng Sơn tăng 42,1%; Hà Tĩnh tăng 42%; Hà Nam tăng 40,5%.
7. Lợi nhuận
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016.
Theo khu vực kinh tế: Năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.
Theo loại hình DN: Năm 2017 khu vực DN nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực DN FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Theo địa phương: Có 30/63 địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận cao hơn mức tăng bình quân cả nước. Những địa phương có tốc độ tăng lợi nhuận của DN năm 2017 so với năm 2016 trên 100% gồm: Hưng Yên tăng 593,6%; Nam Định tăng 445,0%; Lào Cai tăng 329,4%; Thái Bình tăng 320,5%; Thừa Thiên – Huế tăng 156,3%…
8. Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của DN
Về hiệu suất sử dụng lao động, hiệu suất sử dụng lao động bình quân toàn bộ khu vực DN năm 2017 đạt 14,7 lần.
Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có hiệu suất sử dụng lao động năm 2017 đạt cao nhất với 18,8 lần, vượt trội so với mức 12,3 lần của khu vực công nghiệp và xây dựng và gấp xấp xỉ 2,7 lần so với mức 7,0 lần của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Về thu nhập, bình quân tháng một lao động của các DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 đạt 8,3 triệu đồng, tăng 10,1% so với năm 2016.
Theo khu vực kinh tế: Khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân một lao động một tháng năm 2017 đạt cao nhất với 9,4 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2016 (trong đó, ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức thu nhập bình quân lao động đạt cao nhất trong các ngành kinh tế với 21,6 triệu đồng); khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 7,8 triệu đồng, tăng 8,5% (trong đó ngành SX và phân phối điện có mức thu nhập bình quân đạt cao nhất với 16,1 triệu đồng); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức thấp nhất trong các khu vực kinh tế với 5,2 triệu đồng, tăng 3,9% so với năm 2016.
Theo địa phương: Các địa phương có mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong các DN đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2017 cao nhất cả nước là những địa phương thuộc các trung tâm công nghiệp, thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả những năm qua, gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 10,4 triệu đồng; TPHCM 9,9 triệu đồng; Hà Nội 9,2 triệu đồng; Bắc Ninh 9,0 triệu đồng…
Chỉ số nợ chung của DN năm 2017 là 2,5 lần, nói cách khác, tổng số tài sản nợ của DN năm 2017 gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu của DN.
Theo khu vực kinh tế: Năm 2017 khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 3,3 lần, gấp hơn hai lần so với khu vực công nghiệp và xây dựng và gấp xấp xỉ 5 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Chỉ số quay vòng vốn năm 2017 của toàn bộ khu vực DN đạt 0,7 lần. Theo khu vực kinh tế, năm 2017 công nghiệp và xây dựng là khu vực có chỉ số quay vòng vốn đạt cao nhất với 1 lần, gấp 1,9 lần so với khu vực dịch vụ và gấp 2,8 lần so với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA) của toàn bộ khu vực DN năm 2017 đạt 2,9%.
Theo khu vực kinh tế, năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có ROA đạt cao nhất với 4,9%, cao vượt trội và gấp 3,1 lần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, gấp 2,8 lần khu vực dịch vụ.
Hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực DN năm 2017 đạt 4,2%.
Theo khu vực kinh tế: Năm 2017 hiệu suất sinh lợi trên doanh thu của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt cao nhất với 5%, tiếp đến là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 4,4% và cuối cùng là khu vực dịch vụ 3,5%.
9. Chuyển dịch cơ cấu DN
Khu vực DN công nghiệp và xây dựng thu hút nhiều lao động, tạo ra nhiều lợi nhuận nhất. Trong khi khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất về số DN, nguồn vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực phát triển nhanh hơn các khu vực khác đối với các chỉ tiêu này.
Giai đoạn 2016-2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, cụ thể khu vực DN nhà nước giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Quy mô và tỷ lệ đóng góp của khu vực DN ngoài nhà nước và khu vực DN FDI đều tăng và tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình DN cùng phát triển bình đẳng, khu vực DN ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ DN ở hầu hết các chỉ tiêu.
Đại diện cho cơ quan chủ trì biên soạn Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh lực lượng DN đang phát triển mạnh mẽ, cùng với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, yêu cầu về công khai hóa thông tin DN là vô cùng quan trọng.
“Đây là tiền đề để xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin DN còn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính DN khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cũng tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị cơ quan chủ trì thống kê và các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp để hoàn thiện các chỉ số để có những con số “biết nói”, có sự phân tích sâu hơn, phục tốt cho hoạt động chỉ đạo điều hành, ra các chính sách của Chính phủ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()