Sách - Sợi dây kết nối gia đình
Những cuốn sách không chỉ góp phần giải trí, giáo dục, hình thành nên nhân cách của trẻ nhỏ, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc gắn kết gia đình, tạo thói quen gắn bó giữa các thành viên trong gia đình từ thủa nhỏ.
Năm nay, không khó để thấy sự trở lại của hàng loạt sách kinh điển về đề tài gia đình, nổi bật nhất là “Không gia đình” và “Trong gia đình” của Hector Malot, rồi “Thời thơ ấu” của Marxim Gorki, “Lũ trẻ đường tàu” của E. Nesbit, “Gia đình dưới chân cầu”của Natalie Savage Carlson, “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Laura Ingalls Wilder… Đây đều là những tác phẩm được nhiều NXB ấn hành, thậm chí tái bản nhiều lần nhưng vẫn có đông đảo bạn đọc nhiều thế hệ đón nhận.
Cùng với các tác phẩm kinh điển này, nhiều tác phẩm của các tác giả đương đại cũng được đông đảo độc giả yêu mến và tìm mua, cũng như được review nhiều trên các trang đọc sách. Đó là “Mẹ, thơm một cái” của Cửu Bả Đao, “Hãy chăm sóc mẹ” của tác giả Hàn Quốc Kyung-sook Shin, “Tôi bị bố bắt cóc” của Mitsuyo Kakuta, “Bố con cá gai” của Cho Chang In hay “Gia đình trộm cắp” của Kore-eda Hirokazu…
“Mẹ, thơm một cái” là những ghi chép chân thật của tác giả về quá trình mẹ của mình chiến đấu với bệnh ung thư. Những tình cảm nhẹ nhàng, những tình huống đời thường trong mỗi gia đình và sự yêu thương bao bọc lẫn nhau làm câu chuyện đầy ắp cảm xúc và hy vọng.
“Tôi bị bố bắt cóc” chia sẻ câu chuyện của cô bé Haru 11 tuổi trong một gia đình “đặc biệt”. Bố mẹ cô đã ly thân bốn năm, và vào một ngày hè đầy bất ngờ, khi cô bé bước ra khỏi cửa hiệu kem thì bắt gặp bố với chiếc xe mở sẵn cửa để đó cô trong một chuyến du lịch cũng rất đặc biệt.
Bằng tình cảm, sự kiên nhẫn của mình, bố của Haru đã giúp một cô tiểu thư vốn quen với những tiện nghi ở thành phố từ nhỏ, nay làm quen và hòa minh vào cuộc sống thú vị ở nông thôn, vùng núi hay vùng biển…
Cuộc “bắt cóc” của bố cũng cho Haru những bài học giản dị và sâu sắc về cuộc sống. Chuyến đi cũng giúp cô bé hiểu và gần gũi hơn với bố mình, người mà vì điều kiện, không thể ở cùng với cô.
“Bố con cá gai” cũng là một câu chuyện vô cùng cảm động, được rất nhiều độc giả review trên các trang đọc sách. Cuốn sách kể về một cô bé chống chọi với bệnh ung thư từ năm 3 tuổi, nay đã lên 10. Không mang màu sắc ủy mị, lo buồn, cuốn sách có những trang viết lạc quan với những mối quan tâm rất hồn nhiên của cô bé. Cùng với hành trình chống chọi lại bệnh tật của bạn nhỏ, là tình yêu vô bờ bến và cũng hết sức hồn nhiên của ông bố “cá gai”.
Cùng với sự phát triển của các loại hình giải trí, sách văn học về đề tài gia đình ngày nay cũng đã trở nên phong phú hơn, đề cập đến nhiều khía cạnh hơn trong gia đình, thể hiện nhiều góc nhìn khác nhau hơn, nhưng vẫn chung một xu hướng chủ đạo là tôn vinh sự gắn kết, tình cảm trong gia đình.
Mảng đề tài gia đình cũng thu hút ngày càng đông các đơn vị xuất bản tham gia. Nếu như trước đây, nhắc đến đề tài gia đình, chủ yếu là nhắc đến sách của các NXB quen thuộc như Kim Đồng, Phụ nữ Việt Nam…, thì giờ đây đã có nhiều đơn vị xuất bản liên tục giới thiệu sách mới thuộc dòng sách gia đình này, như Nhã Nam, Đinh Tị, Liên Việt…
Không chỉ đưa ra ngày càng nhiều các đầu sách về đề tài gia đình, các đơn vị xuất bản còn xây dựng nhiều chương trình khuyến khích đọc sách trong gia đình. NXB Kim Đồng tổ chức chương trình Đọc xuyên mùa hè 2021 với thông điệp xã hội “Mỗi gia đình một tủ sách cho con”, khơi nguồn tri thức từ việc tích lũy sách hay cho con đọc mỗi ngày.
Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, việc tạo niềm vui và thói quen đọc sách cho trẻ là việc lâu dài. Khi trong nhà có một tủ sách được cha mẹ dành riêng, thậm chí đặt tên tủ sách theo tên mình, các em trân quý hơn những cuốn sách của mình, có ý thức hơn về việc đọc sách. Niềm tự hào về tủ sách của riêng mình trong các em cũng lớn dần lên theo năm tháng trở thành “kho báu” cá nhân. Có tủ sách cũng dễ dàng giúp các em hình thành kỹ năng bảo quản sắp xếp, dễ dàng kiểm tra đối chiếu, tìm kiếm thông tin, trên suốt chặng đường học tập.
Còn với Nhã Nam, đơn vị này có một cách riêng để kết nối các thành viên trong gia đình ở giai đoạn “đặc biệt” này: Cuộc thi “Ở nhà kể chuyện Covid”. Đây là ý tưởng của Nhã Nam và bác sĩ Ngô Đức Hùng, tác giả “Nhật ký Covid và những chuyện chưa kể”. Cuộc thi khuyến khích độc giả kể về cuộc sống, sinh hoạt của mình và người thân trong những ngày ở nhà chống dịch Covid kể từ khi dịch bắt đầu xảy ra (từ đầu năm 2020) đến nay.
Sách ở mọi thời điểm vẫn luôn là phương pháp trị liệu tinh thần rất tốt. Đặc biệt ở thời điểm này, khi dịch Covid-19 vẫn đang hết sức căng thẳng ở nhiều địa phương, mọi người phải làm việc ở nhà, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn, thì sách cũng là một sợi dây giúp gắn kết các thành viên trong gia đình hơn, và cũng lại là “phương thuốc” giúp mọi người vượt qua khó khăn.
Ý kiến ()