Thứ 6, 27/12/2024 00:58 [(GMT +7)]
Sách giáo khoa cho năm học mới
Thứ 4, 11/08/2010 | 15:10:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chỉ còn ít ngày nữa là gần 200 ngàn giáo viên và học sinh toàn tỉnh bước vào năm học mới 2010-2011. Bao giờ cũng vậy, vào thời điểm này, vấn đề sách giáo khoa ( SGK), giấy vở và đồ dùng học tập luôn được các bậc cha mẹ quan tâm.
Bình ổn thị trường trước biến động về nhà thầu
Ngay từ đầu tháng 8, từ các quầy văn phòng phẩm, cửa hàng SGK khu vực thành phố, thị trấn đến các sạp hàng của chợ khu vực nông thôn, người ta đã rậm rịch bày bán sách giáo khoa, giấy vở và đồ dùng học sinh cho năm học mới. Nhiều cửa hàng SGK tại các thị trấn, ngay từ giữa tháng 8 đã có thông báo giảm giá SGK cho học sinh. Hình thức khuyến mại này được áp dụng một cách linh hoạt để các cửa hàng này tranh thủ “đầu vụ” tiêu thụ một lượng SGK còn tồn trong năm học trước.
Trước sự đổ vỡ của “nhà thầu truyền thống” là Công ty Cổ phần Sách- Văn hóa- Thiết bị trường học, để kịp thời ổn định thị trường SGK Lạng Sơn, Sở GD&ĐT đã triệu tập hội nghị “khách hàng”, liên hệ với Nhà xuất bản Giáo dục để giới thiệu nhà cung ứng SGK cho thị trường cũng như SGK cho đối tượng học sinh thuộc diện trợ cấp ( học sinh vùng ĐBKK, vùng cao, vùng 135). Sự vào cuộc nhanh chóng của Công ty Cổ phần thiết kế& Phát hành sách GD- Nhà xuất bản GD đã góp phần lập lại thị trường SGK Lạng Sơn trước năm học mới. Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, đến nay Công ty đã cung ứng đợt 1 cho nhiều đại lý trên địa bàn; đồng thời thực hiện cung ứng SGK cho đối tượng chính sách và đã bàn giao đến các phòng GD có hợp đồng.
Trao đổi với chúng tôi, người có trách nhiệm của ngành GD khẳng định thị trường SGK Lạng Sơn không có sự biến động về nguồn hàng cũng như về giá cả. Ngành sẽ thúc giục nhà thầu đẩy mạnh tiến độ cung ứng SGK cho các địa phương và chỉ đạo các phòng GD phân phối một cách nhanh nhất SGK cấp không thu tiền cho học sinh vùng cao, vùng được hưởng chế độ, để bước vào ngày học chính thức (16/8), các cháu có SGK để học tập; tránh tình trạng học sinh “tay trắng” tới trường, hoặc do “nóng ruột” mà các bậc phụ huynh trong “vùng chế độ” mua SGK cho con em mình, dẫn đến sự lãng phí tiền của của nhân dân và của nhà nước.
Chất lượng SGK, ai quản?
Không như những năm trước, thị trường SGK năm nay khá “ lộn xộn”. Trong khi Công ty Cổ phần Sách- Văn hóa- Thiết bị trường học Lạng Sơn không còn là nguồn cung cấp hàng “chính hiệu” mà Công ty Cổ phần thiết kế& phát hành sách GD- Nhà Xuất bản GD chưa thể vươn tới chiếm lĩnh thị trường SGK Lạng Sơn, thì các đại lý, sạp hàng, “chiếu sách” mọc lên như “nấm sau mưa”. SGK được “khai thác” từ đủ nguồn khác nhau; mà có điều lạ là tất cả đều có tem chống hàng giả? Trước đây, nhiều trường đã hợp đồng với nhà phân phối để lấy SGK bán cho học sinh theo đúng giá bìa, nhà trường vừa có nguồn thu từ chiết khấu hoa hồng, học sinh vừa có sách chính hiệu. Song gần đây, do nhiều nguyên nhân ( trong đó có nguyên nhân là thu nhiều khoản đầu năm học) các nhà trường không mấy mặn mà với phương thức này; giờ đây, học sinh phải “tự lực hoàn toàn”. Mặt khác, tâm lý chung của các bậc cha mẹ là muốn chính mình dẫn con đi mua SGK và tận tay trao cho con như một món quà đầy ý nghĩa mừng con vào năm học mới…Vì vậy, các đầu nậu SGK có dịp “ra tay”.
Vấn đề là các nhà trường và đội ngũ GV cần “tư vấn”, hướng dẫn các em mua SGK đúng chương trình, cách nhận biết và phân biệt để có được bộ SGK tốt. Song thực hiện là vấn đề khó, vì sách văn hóa nói chung và SGK nói riêng bị in giả một cách tràn lan và vô cùng tinh vi, mà chỉ các bậc “chuyên gia” mới có thể phân biệt được. Rất cần sự phối hợp giữa ngành GD&ĐT với ngành văn hóa và quản lý thị trường trong việc kiểm tra phát hiện SGK giả, sách kém phẩm chất…để người tiêu dùng nói chung và học sinh nói riêng có thể yên tâm.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()