Sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai nhằm góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, từ năm 2009 đến nay, Ðề án bước đầu tác động tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp triển khai nhằm góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện, từ năm 2009 đến nay, Ðề án bước đầu tác động tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.
Chủ trương đúng và rất cần thiết
Thiết thực góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp xã và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiến hành triển khai thực hiện thí điểm Ðề án trang bị sách cho hơn 4.000 xã, phường, thị trấn của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước với 45 đầu sách. Từ kết quả thực tế thí điểm của Ðề án, Ban Bí thư đã cho chủ trương triển khai Ðề án trong phạm vi cả nước. Năm 2011, Ðề án đã xuất bản 69 đầu sách, với 1,5 triệu bản in, cung cấp cho 11.138 xã, phường, thị trấn. Năm 2012, Ðề án xuất bản 86 đầu sách và DVD-ROM Sách xã, phường, thị trấn với gần 2,25 triệu bản in.
Các ấn phẩm đã bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Ðại hội XI và các hội nghị Trung ương của Ðảng; công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở. Các đầu sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Các đầu sách cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp những kỹ năng tác nghiệp cần thiết để xử lý công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã.
Kết quả thực hiện Ðề án cho thấy, việc sử dụng và khai thác các ấn phẩm ở xã, phường, thị trấn chủ yếu nhằm phục vụ công việc hằng ngày của cán bộ cấp xã về công tác xây dựng Ðảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, đồng thời giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các chi bộ, tổ dân phố, ấp, khóm đọc để tìm hiểu, bổ sung kiến thức cần thiết. Trong điều kiện nguồn kinh phí của các xã, thị trấn dành cho việc mua sách, báo, tài liệu phục vụ công tác còn khó khăn, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, việc triển khai trang bị sách của Ðề án đã góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa – xã hội, ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, đời sống…
Sách của Ðề án đã trở thành nguồn thông tin chính thống, tin cậy của Ðảng, Nhà nước cung cấp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở.
Vẫn còn những hạn chế, khó khăn
Tuy Ðề án đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Ðề án; thiếu thông tin về danh mục sách, đơn vị được tiếp nhận, hình thức quản lý, sử dụng,… nên khi tiếp nhận sách của Ðề án còn lúng túng trong công tác tổ chức quản lý, sử dụng.
Hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng; thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc. Sách của Ðề án hầu hết đặt tại trụ sở UBND xã, nên không thuận tiện cho quần chúng nhân dân tới đọc và mượn sách.
Số lượng sách của Ðề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Mỗi xã, phường, thị trấn được trang bị hai bộ sách, chủ yếu phục vụ cho đối tượng là cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã tìm hiểu, tra cứu để xử lý công việc hằng ngày. Trong điều kiện ở cấp xã có nhiều thôn, bản (nhiều xã có 10-15 thôn, bản), nằm cách xa trung tâm xã, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa nên nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Ðề án.
Mặt khác, cán bộ quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án ở cơ sở đều thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, không có chế độ phụ cấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của Ðề án.
Phát huy hiệu quả Ðề án
Sau hơn ba năm thực hiện, Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa thiết thực, để phát huy hơn nữa hiệu quả của Ðề án, cần tiếp tục tăng cường việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả sách được trang bị. Trong quá trình triển khai thực hiện Ðề án, phải gắn chặt việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Ðề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương với các nhiệm vụ chủ yếu:
– Ðẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về chủ trương đúng đắn của Ban Bí thư, về mục đích, yêu cầu của Ðề án, về trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, chính quyền trong việc chỉ đạo thực hiện Ðề án.
– Cán bộ quản lý sách phải được phân công trách nhiệm cụ thể, được tập huấn, có hiểu biết chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình trong công việc để hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đọc, tra cứu tìm hiểu kiến thức, thông tin. Ðồng thời, cần tổ chức luân chuyển sách của Ðề án đến tủ sách các thôn, bản để nhân dân có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách, tìm hiểu học tập và áp dụng vào sản xuất, đời sống.
– Trong công tác quản lý, tổ chức phong trào đọc sách ở cơ sở, cần nghiên cứu mô hình hợp nhất các nguồn sách được trang bị (tủ sách lý luận chính trị, sách pháp luật, bưu điện văn hóa) vào thiết chế thư viện, nhà văn hóa xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với đối tượng tiếp nhận, khai thác, sử dụng sách của Ðề án.
– Các cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở để nắm bắt nhu cầu, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách của Ðề án; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Ðề án hằng năm; kịp thời phát hiện những mô hình tốt để phổ biến rộng rãi, phản ánh những ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân liên quan đến việc quản lý, sử dụng sách; động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Ðề án.
Việc triển khai thực hiện Ðề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn là một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực của Ban Bí thư, đã và đang có tác động rất tích cực trong việc góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp xã; mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa kiến thức lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa – xã hội, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, đời sống đến cơ sở; góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI và các hội nghị Trung ương của Ðảng từ cơ sở.
Theo Nhandan
Ý kiến ()