Sắc Xuân vùng khó
(LSO) – Hạ tầng được đầu tư xây dựng, môi trường được đảm bảo, các mô hình sản xuất hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân ngày một nhiều, góp phần làm cho diện mạo nông thôn 5 xã đặc biệt khó khăn được tỉnh chọn chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 – 2020 ngày một đổi mới.
Khó đủ đường
Không chỉ chọn những xã có điều kiện thuận lợi để phấn đấu đạt chuẩn NTM, năm 2016, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh (hiện nay là Ban Chỉ đạo các chương trình trình mục tiêu quốc gia tỉnh) đã quyết định lựa chọn thêm 5 xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020. Các xã đặc biệt khó khăn bao gồm: Nhất Tiến (Bắc Sơn); Kiên Mộc (Đình Lập); Vĩnh Yên (Bình Gia); Hữu Lễ (Văn Quan) và Cao Minh (Tràng Định).
Xây dựng NTM ở các xã có điều kiện thuận lợi đã khó thì đối với các xã đặc biệt khó khăn, việc thực hiện các tiêu chí còn khó khăn gấp bội. Thời điểm năm 2016, qua rà soát, các xã này mới đạt từ 3 – 4 tiêu chí. Số tiêu chí đã đạt thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, phát triển sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên tới 80 – 90%.
Bê tông hoá đường giao thông nông thôn tại xã Nhất Tiến, huyện Bắc Sơn
Ông Nông Văn Chuẩn, Bí thư Đảng uỷ xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan chia sẻ: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã là hơn 90%; 95% đường giao thông trong xã là đường đất; các công trình hạ tầng thiết yếu khác như: điện, trường học, trạm y tế cũng tạm bợ, xuống cấp, không đảm bảo an toàn.
Tương tự, năm 2016, cơ sở hạ tầng ở xã Cao Minh cũng không khá hơn. Ông Trịnh Thế Truyền, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Cao Minh nhớ lại: Thời điểm đó, gần như 100% đường giao thông nông thôn trong xã là đường đất, đèo dốc quanh co (cả xã có khoảng 80 km đường giao thông). Hạ tầng yếu kém, phát triển sản xuất cũng không khá gì khi kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với cây lúa, ngô.
Cùng với 2 xã Hữu Lễ và Cao Minh, điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng ở các xã: Vĩnh Yên, Kiên Mộc, Nhất Tiến cũng không khá hơn. Yếu về hạ tầng, khó khăn về kinh tế, thậm chí có nơi ăn còn không đủ nên người dân ở một số nơi cho rằng xây dựng NTM chỉ có trong giấc mơ.
Giấc mơ có thật
Tưởng chừng xây dựng NTM chỉ là giấc mơ đối với nhiều người dân ở 5 xã đặc biệt khó khăn. Thế nhưng chỉ sau một vài năm triển khai thực hiện, với sự đầu tư nguồn lực của nhà nước, sự chung tay, góp sức, nỗ lực vượt khó của Nhân dân, giấc mơ NTM đã dần trở thành sự thật.
Anh Dương Kim Bảo, thôn Khe Luồng, xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập phấn khởi chia sẻ: Xuân này, gia đình tôi có nhà mới rồi chứ không còn phải ở ngôi nhà tạm lụp xụp, tạm bợ như trước nữa. Trước đây, gia đình khó khăn, không có điều kiện làm nhà. Năm 2020, từ chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trong xây dựng NTM, gia đình được hỗ trợ 40 triệu đồng. Gia đình tôi vay mượn thêm anh em và nhờ sự hỗ trợ của hàng xóm để xây dựng ngôi nhà. Có nhà mới, gia đình yên tâm tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Chị Nông Bảo Ngọc, cán bộ chuyên trách xây dựng NTM xã Kiên Mộc cho biết: Năm 2020, trên địa bàn xã có 22 nhà dân được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa. Không những vậy, từ nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, các công trình hạ tầng như: trường học, trạm y tế, nhà văn hoá và đặc biệt là đường giao thông đã được đầu tư xây dựng. Qua đó, đến tháng 11/2020, xã đã đạt 11/19 tiêu chí NTM.
Cùng với Kiên Mộc, 4 xã điểm đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn tỉnh cũng được nhà nước hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2016 đến nay, Nhân dân đóng góp trên 10 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt, ngày công, hiến đất) để chung sức thực hiện các tiêu chí như: giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, môi trường, thuỷ lợi… Đến nay, 100% tuyến đường trục xã ở các xã đặc biệt khó khăn được cứng hoá, bê tông hoá; trên 60% số đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông hoá; các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hoá, trụ sở xã được xây dựng khang trang, rộng rãi.
Bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, để tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế, các xã đã lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như mô hình trồng quế ở xã Cao Minh; mô hình chăn nuôi gia súc ở xã Vĩnh Yên; mô hình nuôi bò ở xã Kiên Mộc; mô hình trồng nghệ đen, cây ăn quả, nấu rượu ở xã Hữu Lễ; trồng rừng ở Nhất Tiến…Thu nhập bình quân đầu người các xã trung bình đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 12%.
Đến nay, cả 5/5 xã đặc biệt khó khăn được tỉnh chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 – 2020 đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Đây không đơn thuần chỉ là việc mục tiêu, kế hoạch mà quan trọng hơn cả việc triển khai xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn chính là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời cũng là tấm gương, bài học kinh nghiệm để triển khai xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn khác trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ý kiến ()