Thứ 6, 22/11/2024 05:31 [(GMT +7)]
Sắc xuân Văn Lãng
Thứ 4, 18/01/2012 | 16:34:00 [(GMT +7)] A A
Những phác họa trên cho thấy, Văn Lãng đã và đang bứt phá đi lên trên con đường phát triển và hội nhập. Thông qua những thành tựu ấy, đặc biệt là những nét đặc sắc của các lễ hội xuân càng khắc họa rõ nét vẻ đẹp của sắc xuân Văn Lãng, Đồng thời qua những hoạt động lễ hội ngày xuân đã thể hiện niềm tin, ước mơ và khát vọng của đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Văn Lãng trong cuộc sống, lao động sản xuất cũng như góp phần làm đa dạng và phong phú hơn món ăn tinh thần của nhân dân địa phương mỗi khi tết đến xuân về.
LSO-Mùa xuân về đem đến cho đất trời những sắc màu rực rỡ như khoác một tấm áo mới. Vẻ đẹp của đào bích, đào phai xen lẫn những chồi lộc biếc xanh non khiến cho khung cảnh nên thơ làm say đắm lòng người. Vào những ngày giáp tết Nguyên đán Nhâm Thìn, trên khắp các ngả đường dẫn vào huyện Văn Lãng, đều bắt gặp những cành đào nở sớm khoe hương, khoe sắc trong nắng xuân yên ả.
Các mâm lễ cúng thổ công và Thần Nông của dân làng Nà Cưởm xã Tân Lang, Văn Lãng
Năm Tân Mão đã khép lại đánh dấu những thành tựu trong đổi mới phát triển kinh tế – xã hội của huyện Văn Lãng – một huyện biên giới nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lạng Sơn. Bà Đường Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho biết: thực hiện Nghị quyết HĐND huyện về nhiệm vụ năm 2011, huyện có 21 chỉ tiêu chủ yếu. Theo đánh giá, có 7 chỉ tiêu thực hiện vượt kế hoạch, 5 chỉ tiêu thực hiện đạt kế hoạch và có 9 chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra. Về tốc độ tăng trưởng GDP của huyện năm 2011 đạt 6,7%, trong đó cụ thể nông – lâm nghiệp giảm 4,25%, công nghiệp – xây dựng tăng 15,21%, thương mại –dịch vụ tăng 18,87%. Cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay, nông – lâm nghiệp chiếm 45,81%, công nghiệp – xây dựng chiếm 23,87%, thương mại – dịch vụ chiếm 30,32%. Tổng sản phẩm nội huyện theo giá thực tế đạt 519,55 tỷ đồng và GDP bình quân đầu người/năm đạt 10,3 triệu đồng.
Trong rất nhiều chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong năm 2011, Văn Lãng đặc biệt chú trọng tới chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, chọn được 14 xã để thực hiện quy hoạch, 4 xã thực hiện điểm xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2011-2015. Đến nay, các xã đã thành lập được Ban quản lý, hoàn thành công tác rà soát hiện trạng theo bộ tiêu chí, đối với 4 xã được chọn làm điểm, hiện nay đang tiến hành khảo sát lập quy hoạch chung. Cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới, Văn Lãng đặc biệt chú trọng tới công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, lao động việc làm, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tục tưới nước xuống đồng cầu cho mùa màng bội thu tại Lễ hội Nà Cưởm
So với các huyện khác trong tỉnh, Văn Lãng là một huyện có rất nhiều lễ hội xuân, với khoảng gần 20 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức rải đều bắt đầu từ mùng 4 tết đến gần hết tháng Giêng, thậm chí rải rác sang tháng 3 âm lịch. Bước vào Xuân Nhâm Thìn 2012, Văn Lãng tiếp tục tổ chức tốt các lễ hội truyền thống đầu xuân, các hoạt động “Mừng Đảng, mừng Xuân”, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đông đảo các tầng lớp nhân dân khi tết đến xuân về. Bà Lương Kim Tuyết, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Mùa lễ hội xuân Nhâm Thìn năm nay, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số lễ hội điểm trên địa bàn huyện. Thông qua đó nhằm khôi phục các lễ hội truyền thống mang đậm nét đặc sắc của phần lễ và phần hội. Trong đó khôi phục các trò diễn, trò chơi dân gian, thu hút sự tham gia của đông đảo đồng bào nhân dân các dân tộc ở địa phương.
Bên cạnh các lễ hội điểm, đến với các hội xuân của Văn Lãng như hội Tà Lài (xã Tân Mỹ) vào ngày mùng 8 tháng Giêng; hội Bản Kìa (xã Hội Hoan) vào ngày mùng 10 tháng Giêng; hội xuân thị trấn Na Sầm vào ngày 14 tháng Giêng; hội chùa Nà Cưởm (xã Tân Lang) vào ngày 15 tháng Giêng…, chúng ta sẽ thấy những nét đẹp cổ truyền tinh tế, đầy bản sắc dân tộc với phong tục cúng trời đất, múa sư tử, tổ chức các trò chơi dân gian… tạo cho không khí ngày xuân sôi nổi, hào hứng và thực sự ý nghĩa, nhất là trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc. Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Na Sầm chia sẻ: năm 2009, thị trấn Na Sầm rất vui và tự hào vì đã khôi phục thành công lễ hội xuân cổ truyền của thị trấn vào ngày 14 tháng Giêng. Lễ hội xuân cổ truyền của thị trấn Na Sầm hàng năm thể hiện sự tôn vinh lịch sử, giáo dục truyền thống yêu quê hương, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, về dân tộc trong mỗi con người, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Múa sư tử – nét đặc sắc của lễ hội cổ truyền thị trấn Na Sầm
vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm
Những phác họa trên cho thấy, Văn Lãng đã và đang bứt phá đi lên trên con đường phát triển và hội nhập. Thông qua những thành tựu ấy, đặc biệt là những nét đặc sắc của các lễ hội xuân càng khắc họa rõ nét vẻ đẹp của sắc xuân Văn Lãng, Đồng thời qua những hoạt động lễ hội ngày xuân đã thể hiện niềm tin, ước mơ và khát vọng của đồng bào nhân dân các dân tộc huyện Văn Lãng trong cuộc sống, lao động sản xuất cũng như góp phần làm đa dạng và phong phú hơn món ăn tinh thần của nhân dân địa phương mỗi khi tết đến xuân về.
Thái Dương
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()