Sắc xuân trên xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên
– Mùa xuân đến, cây cối đâm chồi, nảy lộc, người người, nhà nhà hân hoan đón chào năm mới với những niềm tin, kỳ vọng vào sự đổi mới của quê hương, đất nước, sự ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình. Năm nay, niềm vui như nhân đôi với người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng khi họ đón xuân mới trong diện mạo của xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh.
Đại diện các huyện, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh tham quan mô hình khu dân cư kiểu mẫu tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng
Đến xã “đầu tiên”
Xã Chi Lăng nằm ở phía Nam của huyện Chi Lăng, cách trung tâm huyện 7 km. Xã có 11 thôn với 1.228 hộ dân, dân số 5.904 nhân khẩu với 3 dân tộc chính gồm Nùng, Kinh, Tày. Trong những năm qua, kinh tế của người dân trên địa bàn xã chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông lâm nghiệp.
Trong xây dựng NTM, xã Chi Lăng thường được gắn với cụm từ “đầu tiên”. Chia sẻ về cụm từ này, ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, đến năm 2014, Chi Lăng là một trong những xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở việc đạt chuẩn, những năm sau đó, xã tiếp tục bắt tay vào việc củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí và từng bước xây dựng các tiêu chí xã NTM nâng cao. Đến năm 2019, Chi Lăng tiếp tục là 1 trong 2 xã đầu tiên đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trước kế hoạch của tỉnh 1 năm.
Với quan điểm “xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc”, bước sang năm 2022, sau khi có bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 được ban hành, một lần nữa, xã Chi Lăng lại tiên phong trong việc quyết tâm phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.
Tất nhiên, để đạt chữ “đầu tiên” không hề dễ dàng. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Minh Tuấn, mỗi lần được tỉnh, huyện chọn chỉ đạo điểm xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xã vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được cấp trên tin tưởng, được quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất. Nhưng lo vì khi bắt tay vào làm, cấp trên còn chưa có hướng dẫn cụ thể, chính thức một số tiêu chí để triển khai thực hiện; chưa xác định nguồn lực đầu tư, trọng tâm đầu tư… Từ đó, xã vừa làm, vừa mò, vừa tích lũy kinh nghiệm.
Trở lại câu chuyện xã được tỉnh chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022. Khác với những nội dung xây dựng NTM trước, việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu được đầu tư rất ít nguồn lực mà cần sự chung tay, góp sức của người dân rất nhiều. Để huy động nguồn lực trong dân, cấp ủy, chính quyền xã Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến 100% người dân ở tất cả các thôn trên địa bàn. Cùng với tuyên truyền trực tiếp thông qua các hội nghị như trước đây, những năm gần đây, công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng bằng các hình thức khác như trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội…Qua đó, các nội dung tuyên truyền đến với người dân được nhiều hơn, nhanh hơn. Từ đó, người dân hiểu và tích cực chung sức thực hiện các tiêu chí.
Ông Nguyễn Đức Hiệu, thôn Quán Bầu-Đồng Ngầu, xã Chi Lăng chia sẻ: Năm 2022, sau khi có chủ trương xây dựng lại nhà văn hóa thôn, mỗi hộ dân trong thôn đã đóng góp 2,5 triệu đồng để mua vật liệu, đồng thời tự bỏ công sức ra để triển khai xây dựng công trình. Cùng với xây dựng nhà văn hóa, người dân trong thôn còn thường xuyên duy trì dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đường giao thông… Từ đó, góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi, xuân này, bà con trong thôn được đi trên những con đường mới sáng-xanh-sạch-đẹp hơn, ngồi họp, sinh hoạt trong nhà văn hóa thôn khang trang, rộng rãi.
Cùng với thôn Quán Bầu-Đồng Ngầu, người dân các thôn khác trên địa bàn xã Chi Lăng cũng tích cực đóng góp công sức, tiền của để chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí. Cụ thể, năm 2022, người dân trên địa bàn xã Chi Lăng đã đóng góp hơn 22 tỷ đồng để xây dựng công trình công cộng, công trình nhà ở, công trình phụ, đầu tư phát triển kinh tế…
Từ sự chung tay, góp sức của người dân và sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước, năm 2022, xã Chi Lăng đã hoàn thành 4/4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi.
Đi vào chiều sâu
Không chỉ “khoác” trên mình chiếc áo mới đẹp đẽ rồi để một cái bụng “đói”. Xã Chi Lăng xác định rõ, xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu xong không chỉ lấy thành tích rồi để đấy mà đích đến, cốt lõi của các chương trình chính là việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Toàn xã hiện có 1.458 ha đất nông nghiệp, 284,5 ha đất phi nông nghiệp và 704 ha đất chưa sử dụng. Địa hình thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, lực lượng lao động dồi dào, cần cù chịu khó; giao thông thuận lợi. Xác định được những lợi thế như vậy, trong những năm qua, xã Chi Lăng đã tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực như na, bưởi, cam…
Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn xã là 430 ha với sản lượng bình quân khoảng 4.200 tấn/năm. Không chỉ tập trung về số lượng, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện trên địa bàn xã có 35 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 85 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 100% các hộ đăng ký sản xuất na an toàn. Từ tập trung phát triển cây ăn quả đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân.
Ông Lành Văn Lôi, thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng cho biết: Năm 2016, gia đình tôi trồng các loại cam trên diện tích 1,4 ha. Do hợp điều kiện khí hậu, đất đai cộng với áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc nên cây sinh trưởng, phát triển tốt. Khoảng 3 năm trở lại đây, thu nhập từ cam của gia đình trung bình đạt trên 300 triệu đồng/năm.
Theo báo cáo kết quả lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM kiểu mẫu xã Chi Lăng của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chi Lăng, trên địa bàn xã Chi Lăng có 99,6% hộ dân hài lòng về kết quả xây dựng xã NTM kiểu mẫu Chi Lăng.
Cùng với gia đình ông Lôi, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Chi Lăng cũng đã tập trung phát triển diện tích cây ăn quả; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số… Qua đó, những năm gần đây, doanh thu từ cây ăn quả mang lại trên địa bàn xã trung bình đạt 150 tỷ đồng/năm. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn xã. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã được 52,55 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 15 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,91% (năm 2016 là 17%). Thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, các thiết chế văn hóa được đầu tư góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự chung tay, góp sức của người dân, diện mạo nông thôn xã Chi Lăng đã đổi thay rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đi vào thực chất, bền vững. Qua đó, xã Chi Lăng trở thành điểm đến hàng đầu cho các xã ở cả trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm.
Năm nay, người dân xã Chi Lăng đón xuân mới trong một tâm thế mới, tâm thế của xã NTM kiểu mẫu đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Đây là niềm vui, là động lực quan trọng để xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dânn
Ý kiến ()