Sắc xuân ở huyện mới Lộc Hà
Chúng tôi về thăm huyện mới Lộc Hà (Hà Tĩnh), nơi có những cảnh quan du lịch nổi tiếng: Đền thờ Lê Khôi, chùa Chân Tiên, núi Hồng Lĩnh, Nhà thờ họ Phan Huy, khu du lịch biển Thạch Bằng... Đặc biệt, bàn cờ Chân Tiên, nơi tụ hợp phong trào cách mạng Xô-viết 30. Quê hương huyện mới Lộc Hà đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt.Đi dọc bờ biển cửa Sót, bên chân sóng vỗ, tiếng thông reo hòa trong gió biển, những cánh rừng phi lao phòng hộ như những lũy thép bền vững che chở cho hàng vạn dân cư sống ven biển. Chiều về, từng đoàn thuyền đánh cá tấp nập nối đuôi nhau cập bến.Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Nữ Y tự hào nói: Lộc Hà có bờ biển vừa dài, vừa đẹp chạy dọc theo bờ biển, có nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh gắn với bao truyền thuyết làm say lòng người. Biển Lộc Hà thoải dài làm hài lòng du khách tắm biển, đặc biệt ở đây nước biển trong xanh lại lắm đặc sản biển, vừa rẻ vừa ngon.Cửa Sót, cảng cá Thạch Kim...
Đi dọc bờ biển cửa Sót, bên chân sóng vỗ, tiếng thông reo hòa trong gió biển, những cánh rừng phi lao phòng hộ như những lũy thép bền vững che chở cho hàng vạn dân cư sống ven biển. Chiều về, từng đoàn thuyền đánh cá tấp nập nối đuôi nhau cập bến.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Nữ Y tự hào nói: Lộc Hà có bờ biển vừa dài, vừa đẹp chạy dọc theo bờ biển, có nhiều di tích lịch sử văn hóa tâm linh gắn với bao truyền thuyết làm say lòng người. Biển Lộc Hà thoải dài làm hài lòng du khách tắm biển, đặc biệt ở đây nước biển trong xanh lại lắm đặc sản biển, vừa rẻ vừa ngon.
Cửa Sót, cảng cá Thạch Kim tấp nập thuyền của các tỉnh bạn và huyện nhà hằng ngày cung cấp hàng chục tấn hải sản, trong số đó, riêng hai xã Thạch Kim, Thạch Bằng cung cấp gần 4.000 tấn hải sản. Ông Nguyễn Vân, một lão ngư dân xã Thạch Bằng nói: 'Nhờ có chủ trương của Đảng, Chính phủ cho ngư dân vay vốn đóng thuyền, mua lưới ra khơi đánh bắt xa bờ, mấy năm nay ngư dân biển ngang chúng tôi rất phấn khởi. Có thuyền mới không những đánh bắt được nhiều cá, tôm mà còn bảo đảm an toàn cho ngư dân đi làm ăn trên biển những khi sóng to gió lớn. Cuộc sống của ngư dân biển ngang ngày càng no ấm'.
Rời làng chài Thạch Bằng, Thạch Kim, chúng tôi cùng Bí thư và Chủ tịch huyện Phan Văn Dương về thăm xã Thịnh Lộc, một trong những xã nghèo, khó khăn trước khi tách huyện: Trụ sở làm việc còn tạm bợ, trường học các cấp từ mầm non đến THCS cơ bản là nhà học cấp 4 đã xuống cấp, đường giao thông chủ yếu là đường đất, kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hơn 60% theo tiêu chí cũ. Vậy mà gần bốn năm về huyện mới, nay bộ mặt nông thôn đã thật sự thay da đổi thịt. Trụ sở làm việc của UBND xã, hệ thống trường học xây dựng kiên cố từ mẫu giáo đến THCS và đều đạt chuẩn quốc gia; hơn 70% số đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa; cơ cấu kinh tế được chuyển đổi theo hướng tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 25%.
Nói về phát triển kinh tế hộ gia đình, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh đến mô hình trang trại của doanh nghiệp, kinh tế hộ. Trang trại gia đình thương binh 1/4 Hoàng Trọng Cường chăn nuôi lợn nái và lợn thịt hướng nạc, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng là một thí dụ. Theo anh Cường, nhờ nguồn vốn của các Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT ưu đãi cho vay vốn, nên trang trại của anh phát triển, không những tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định mà còn là mô hình giúp nhiều hộ nông dân phát triển và giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Tại trang trại cá, lúa, gà, vịt đàn của gia đình chị Lê Thị Hồng Hương, chị Hương, cho biết, mỗi năm lò ấp trứng của gia đình chị cung ứng cho nông dân trong tỉnh hàng vạn con vịt, con gà giống sạch bệnh. Ngoài lò ấp con giống ra, trang trại chị Hương còn thu hoạch mỗi năm hàng tấn cá, vịt thương phẩm, góp phần tạo việc làm cho hàng chục lao động, có thu nhập ổn định.
Thạch Châu là điểm chỉ đạo của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, là xã điển hình văn hóa toàn quốc, có nhà thờ dòng họ Phan Huy được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Thời hậu Lê, Nguyễn có các bậc anh tài như tiến sĩ Phan Huy Cẩn, tiến sĩ Phan Huy Ích, tiến sĩ Phan Huy Ôn, tiến sĩ Phan Huy Tùng và nhà bác học Phan Huy Chú được các triều vua khắc bia tại
Văn Miếu Quốc Tử Giám, cố đô Huế. Nối tiếp truyền thống, đến nay Thạch Châu có hơn 70% số dòng họ có quỹ khuyến học và có 30 tiến sĩ khoa học, trong đó có Giáo sư sử học Phan Huy Lê. Thạch Châu là địa phương đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là điểm sản xuất giống lạc cao sản cung cấp giống chất lượng cao cho các huyện trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân xã Thạch Châu cho biết: 'Tỉnh và huyện quan tâm lấy xã Thạch Châu làm điểm xây dựng nông thôn mới, nhân dân chúng tôi rất phấn khởi, đồng tình cao về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Chúng tôi tin tưởng Thạch Châu sẽ sớm về đích nông thôn mới theo 19 tiêu chí quốc gia'.
Trưởng phòng Văn hóa huyện Lộc Hà cho biết, tuy là huyện mới được thành lập, nhưng mọi phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa đều được phát triển mạnh mẽ. Riêng về đời sống văn hóa tâm linh, Lộc Hà có hàng chục ngôi đền chùa miếu mạo, trong đó có 10 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hằng năm, Lộc Hà tổ chức các lễ hội truyền thống được đông đảo dân chúng và du khách thập phương về dự lễ hội như: Lễ hội chùa
Chân Tiên, chùa Kim Dung, đền Lê Khôi,… tắm mát biển Thạch Bằng. Năm 2010 toàn huyện có 70% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Dương tâm sự: Năm 2010, mặc dù bị cơn bão số 3 và đợt lũ kép làm mất mùa nặng nề, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng 12% so với năm 2009, thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng. Lương thực năm 2010 đạt 18.000 tấn; sản lượng lạc, vừng, rau màu tăng khá so với những năm trước. Dịch bệnh được khống chế kịp thời, đàn gia súc, gia cầm ổn định; quy mô chăn nuôi/hộ, chất lượng đàn tăng khá.
Thủy sản tăng cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và thương mại, giá trị sản xuất tăng bình quân 4,5%/năm. Cửa Sót ngày càng khẳng định là trung tâm kinh tế thủy sản lớn của tỉnh; diêm nghiệp được khôi phục; chuyển đổi ruộng đất lần 2 đạt kết quả tốt.
Hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin tuyên truyền chuyển biến tích cực. Việc bảo tồn, xếp hạng, phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng; nhiều công trình được đầu tư nâng cấp, xây mới. Chất lượng phổ cập giáo dục, chất lượng các cấp học, ngành học, tỷ lệ trẻ đúng độ tuổi đến trường đạt 99%, giáo viên giỏi, học sinh giỏi, học sinh vào các trường đại học tăng khá cao so với những năm trước. Phong trào xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài tiếp tục được phát huy, Công tác Dân số-KHHGĐ, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm và có bước tiến bộ; thực hiện khá tốt các chính sách an sinh xã hội.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Nữ Y cho biết, năm 2011, Lộc Hà phấn đấu đưa tổng giá trị sản xuất đạt hơn 1.200 tỷ đồng, thu nhập GDP đầu người đạt 13 triệu đồng; thi công xây dựng đường đại lộ 70 chạy qua trung tâm huyện xuống khu du lịch biển; xây dựng hệ thống đường, đê kè ven biển với giá trị đầu tư hơn 300 tỷ đồng… Quý I tới sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM 5 xã và đến cuối năm 2011, 13/13 xã sẽ hoàn tất phương án quy hoạch nông thôn mới trong toàn huyện.
Tạm biệt Lộc Hà trong niềm vui hứng khởi. Người Lộc Hà đang hướng về Đại hội Đảng toàn quốc với kỳ vọng; thành công của đại hội sẽ là sức lan tỏa tô thắm thêm sức xuân mới cho mọi nhà, mọi miền.
Theo Nhandan
Ý kiến ()