Sắc màu thổ cẩm Tây Nguyên hòa quyện với dòng Serepok huyền thoại
Chiều tối ngày 15/7, tại thác Dray Nur, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp Ban Dân vận Thành ủy Thành Hồ Chí Minh tổ chức chương trình thời trang nghệ thuật thổ cẩm các dân tộc tại Đắk Lắk mang tên “Ban Mê ơi!”.
Chương trình thời trang nghệ thuật thổ cẩm các dân tộc tại Đắk Lắk mang tên “Ban Mê ơi!” được tổ chức tại thác Dray Nur trên dòng sông Serepok. |
Chương trình thời trang nghệ thuật được tổ chức tại thác Dray Nur, nơi được ví như ngọn thác huyền thoại của dòng sông Serepok, càng làm cho chương trình thêm phần huyền ảo, kỳ bí, đưa người xem như trở về thời kỳ xa xưa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên.
Những bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Lê Kyo, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Minh Hạnh được giới thiệu bởi các em học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, các đội cồng chiêng và các nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình kết hợp giữa biểu diễn thời trang thổ cẩm và nghệ thuật văn hóa truyền thống làm cho chương trình thêm đặc sắc. |
Thông qua chương trình thời trang nghệ thuật “Ban Mê ơi!”, ban tổ chức chương trình mong muốn góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, chung sức, đồng lòng cùng với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp, cuộc sống của nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí H’Kim Hoa Byăh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: Không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu được những sắc màu thổ cẩm.
Thổ cẩm Tây Nguyên từ xa xưa đến nay gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân, thể hiện được chiều sâu văn hóa. Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Qua những tà áo dài và các mẫu trang phục được thiết kế trên nền vải thổ cẩm của chương trình “Ban Mê ơi!” thể hiện rõ hơn văn hóa chính là cánh cửa mở ra với thế giới.
Trong đời sống thời trang hiện đại ngày nay, chất liệu vải thổ cẩm được nhiều nhà thiết kế quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, ứng dụng vào thiết kế thời trang cao cấp lại không dễ dàng bởi những tính chất đặc trưng của nó.
Chương trình có nhiều tiết mục nghệ thuật thổ cẩm độc đáo như đưa người xem trở về thời kỳ xa xưa của đồng bào Tây Nguyên. |
“Chương trình thời trang nghệ thuật thổ cẩm các dân tộc tại Đắk Lắk mang tên “Ban Mê ơi!” vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, vừa xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung luôn bình yên nhưng cũng hết sức sôi động, rộn rã, sáng tạo, cuốn hút như vẻ đẹp quyến rũ và sự hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên”, đồng chí H’Kim Hoa Byăh chia sẻ.
Nguồn: https://nhandan.vn/sac-mau-tho-cam-tay-nguyen-hoa-quyen-voi-dong-serepok-huyen-thoai-post762503.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()