Sắc đào Quảng Lạc
LSO- Trong những ngày này, đến xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn chúng ta dễ dàng bắt gặp những cây hoa đào nở sớm, khoe sắc thắm chào đón một mùa xuân mới đang đến gần. Hiện nay, trồng đào không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của hoa đào xứ Lạng.
Theo chân chị Lộc Thị Thỏa, xóm Bản Cao, thôn Quảng Hồng I – hộ trồng đào nhiều nhất xã Quảng Lạc, chúng tôi đến thăm vườn đào của gia đình chị. Vườn có đủ các loại đào như: đào phai, đào bích, đào nhung, đào bạch, thất thốn, mỗi cây mỗi vẻ đua nhau khoe sắc. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Thỏa kể: Gia đình tôi trồng đào đã 7 năm nay, với số lượng gần 500 cây, trung bình mỗi vụ thu nhập cũng được hơn 100 triệu đồng. Tùy vào năm tuổi, độ đẹp của cây mà đào có giá từ 400 nghìn đến vài triệu đồng, tính đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi đã bán được hơn 60 cây đào các loại cho khách trong và ngoài tỉnh.
Chị Lộc Thị Thỏa (bên trái) thôn Quảng Hồng I, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn giới thiệu cho khách về các loại đào trong vườn của gia đình
Gia đình chị Thỏa chỉ là 1 trong 35 hộ trồng đào của xã, với tổng diện tích hơn 10,7 ha chủ yếu tập trung ở các thôn như: Quảng Hồng I, II, III; Quảng Liên II… Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà chọn lựa các loại đào khác nhau để trưng bày vào dịp tết, nếu như người dân Lạng Sơn thường mua đào phai, đào bích thì người dân Hà Nội, Bắc Ninh lại yêu thích đào bạch, bích nhung. Đặc điểm thu hút khách ngoại tỉnh của hoa đào Quảng Lạc đó là vẻ đẹp tự nhiên của các cây đào, những bông hoa đào to, tròn, cánh dày, màu tươi đẹp hơn so với hoa đào miền đồng bằng. Điều này được minh chứng bằng việc cây hoa đào của xã Quảng Lạc đã giành giải nhì tại Hội hoa Đào xứ Lạng năm 2017 (không có giải nhất).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được cây đào đẹp, các hộ dân tự chiết ghép cành, không chỉ có một loại hoa trên một cây mà có hộ gia đình còn lai tạo được 3 sắc hoa: bích, bạch, phai trên cùng một cành đào. Cây đào phụ thuộc nhiều vào thời tiết trước tết, do 1-2 tuần gần đây thời tiết nắng ấm nên khoảng 30% số cây đào trong xã đã nở sớm. Theo kinh nghiệm lâu năm của các hộ trồng đào, nếu thời tiết nắng ấm đào nở sớm, thì công đoạn tuốt lá sẽ làm muộn trước tết từ 30 – 40 ngày; còn thời tiết se lạnh đào nở muộn thì tuốt lá sớm hơn trước tết khoảng 60 ngày, để tập trung chất dinh dưỡng của cây cho hoa đào nở đều và đẹp.
Nhằm quảng bá cho hoa đào Quảng Lạc, năm nay UBND xã lần đầu tiên tổ chức Hội chợ hoa đào. Bà Nông Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hội chợ hoa đào sẽ được tổ chức từ ngày 1/2/2018 (tức ngày 16 tháng Chạp năm Đinh Dậu) tại vườn đào thôn Quảng Hồng I, xã Quảng Lạc với sự tham gia của 11/11 thôn trên địa bàn xã. Đây sẽ là dịp để trưng bày, giới thiệu về các loại đào và các đặc sản như: lợn quay, mật ong rừng, các loại rau… của xã, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm, giải trí của nhân dân địa phương, các cơ quan, đơn vị, du khách trong và ngoài tỉnh. Thông qua hội chợ chúng tôi muốn tuyên truyền đến bà con giá trị nét đẹp của hoa đào Lạng Sơn, đồng thời góp phần hưởng ứng, hòa nhịp chung vào “Lễ hội hoa đào xứ Lạng xuân Mậu Tuất lần thứ nhất, năm 2018” của tỉnh.
Tại các thôn trên địa bàn xã, người dân đều háo hức chờ đón Hội chợ hoa đào. Bà Nguyễn Thị Nguyên, Bí thư Chi bộ thôn Quảng Tiến II chia sẻ: Tuy thôn của chúng tôi diện tích trồng đào rất ít, chỉ có khoảng 20 cây trồng rải rác ở các hộ gia đình nhưng được xã tuyên truyền về ý nghĩa của hội chợ, chúng tôi đã tìm và chọn được những cây hoa đào đẹp nhất của thôn để mang đến trưng bày. Trong năm 2018, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng diện tích trồng đào.
Có thể nói, cây hoa đào Quảng Lạc đã mang lại nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn giá trị hoa đào xứ Lạng, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo mỗi thôn tăng ít nhất 5 ha diện tích trồng cây hoa đào nhằm phát huy lợi thế đồi rừng, duy trì và bảo tồn nét đẹp văn hóa của hoa đào Quảng Lạc, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.
Bài, ảnh: TUYẾT MAI – DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()