Rút ngắn thời gian cho vay quá hạn
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về xác định, trích lập, quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Dự thảo rút ngắn thời gian cho vay quá hạn và tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro để phản ánh đúng nghiệp vụ cho vay tái cấp vốn và mức độ rủi ro của nghiệp vụ này theo ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 16956/BTC-TCNH ngày 6/12/2013.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 6 về các khoản tái cấp vốn được phân loại theo mức độ rủi ro tăng dần như sau:
a- Nhóm 1: Các khoản tái cấp vốn trong hạn (bao gồm cả các sản phẩm tái cấp vốn được gia hạn tự động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước); các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh dưới 6 tháng;
b- Nhóm 2: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn dưới 6 tháng; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần đầu còn trong hạn;
c- Nhóm 3: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 1 năm đến dưới 3 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 2 còn trong hạn; các khoản tái cấp vốn đã được gia hạn nợ lần đầu và quá hạn dưới 6 tháng;
d- Nhóm 4: Các khoản tái cấp vốn đã quá hạn từ 1 năm đến dưới 2 năm; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 3 năm đến dưới 5 năm; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 3 còn trong hạn; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần đầu và quá hạn từ 6 tháng đến dưới 1 năm; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần thứ 2 và quá hạn dưới 6 tháng;
đ- Nhóm 5: Các khoản tái cấp vốn hạn đã quá hạn từ 2 năm trở lên; các khoản tái cấp vốn không quy định thời hạn thanh toán phát sinh từ 5 năm trở lên; các khoản tái cấp vốn được gia hạn nợ lần thứ 4 trở lên; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần đầu và quá hạn trên 1 năm; các khoản tái cấp vốn đã gia hạn nợ lần thứ 2 và quá hạn trên 6 tháng; các khoản nợ được khoanh.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định bổ sung đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các đơn vị có liên quan theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước làm thành viên Hội đồng xử lý tổn thất để đảm bảo tính khách quan, minh bạch khi sử dụng khoản dự phòng rủi ro để xử lý tổn thất.
Dự thảo Thông tư đang được lấy ý kiến góp ý trên Cổng TTĐT Ngân hàng Nhà nước./.
Ý kiến ()