Rút ngắn khoảng cách ngôn ngữ
LSO-Thời gian qua, việc dạy – học tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cho cán bộ, giáo viên trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm đúng mức. Qua đó góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các DTTS.
Học sinh tiểu học, THCS xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc tham gia
lớp học hát then, sli do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức
Mục tiêu của việc dạy – học tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS tại các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có nhiều đồng bào DTTS nhưng chưa học tiếng DTTS để rút ngắn khoảng cách về ngôn ngữ, thuận tiện hơn trong học tập, công tác, sinh hoạt.
Dạy – học tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được bắt đầu tổ chức thực hiện từ năm 2015. Khi đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh giao tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ông Lê Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, tin học thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của sở, trung tâm chủ yếu bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng DTTS trên cơ sở các học viên là giáo viên người DTTS đã thành thạo tiếng dân tộc Tày, Nùng. Hơn 40 giáo viên tham gia học đều được cấp chứng chỉ dạy tiếng nói, chữ viết DTTS tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên của tỉnh. Được biết, đến nay các giáo viên đều phát huy được năng lực, đào tạo được nhiều lớp cho các học viên học tiếng nói, chữ viết DTTS Tày – Nùng.
Là học viên được đào tạo dạy tiếng DTTS ở Trường Cao đẳng Sư phạm, chị Nông Thị Nhâm, cán bộ Phòng Đào tạo, Trung tâm Giáo dục thường xuyên 1 tỉnh được cơ quan giao trực tiếp giảng dạy tiếng nói – chữ viết dân tộc Tày cho cán bộ, công chức có nhu cầu học. Chị Nhâm cho biết: Sau khi được bồi dưỡng, tôi đã được bố trí dạy 2 lớp tiếng Tày cho trên 90 học viên là cán bộ, công chức có nhu cầu học. Trong quá trình dạy, tôi sử dụng phương pháp thực hành ngôn ngữ, phát triển đồng thời các kỹ năng ngôn ngữ, chú trọng rèn luyện kỹ năng đọc và viết. Qua đó hình thành các tri thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. 100% học viên sau khi học đều được thi cấp chứng chỉ tiếng DTTS, sau đó đã biết vận dụng vào thực tiễn đời sống, công tác.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp có tối thiểu 2 giáo viên đủ điều kiện tham gia giảng dạy tiếng DTTS. Mỗi năm, tối thiểu mỗi trung tâm mở được từ 1 – 2 lớp dạy tiếng DTTS cho 30 – 40 người. Năm 2017, toàn tỉnh mở được 43 lớp học tiếng DTTS cho gần 1.600 học viên. Quý I/2018, Sở GD&ĐT đồng ý mở lớp 18 lớp dạy tiếng dân tộc Tày và tổ chức thi cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho hơn 750 học viên tại các trung tâm.
Vừa kết thúc khóa học tiếng dân tộc Tày, chị Phương Diệu Linh, cán bộ Trạm Thú y thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Mặc dù là người dân tộc Tày nhưng do sống ở thành phố từ nhỏ nên tôi chỉ được người trong gia đình dạy ngôn ngữ bằng truyền miệng mà chưa được dạy chữ viết. Nhiều khi nói vẫn bị pha tạp ngôn ngữ chung nên về quê cảm giác có khoảng cách nhiều. Do đó, tôi quyết tâm đi học khóa tiếng nói – chữ viết dân tộc Tày, vừa để sau này truyền dạy cho các con bài bản hơn, vừa để tiếp xúc với họ hàng, bà con ở quê thuận tiện hơn.
Ngoài việc dạy – học tiếng DTTS ở các trung tâm, Sở GD&ĐT tổ chức dạy học tiếng DTTS cho các cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú. Theo đó, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên 11/11 trường phổ thông dân tộc nội trú đều biết ít nhất 1 tiếng DTTS. Từ đó, ngoài việc dạy – học văn hóa bằng tiếng phổ thông, học sinh của các trường này còn được cán bộ, giáo viên quan tâm, lồng ghép dạy tiếng DTTS trong các hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, các hội thi hát then, sli, lượn… nhằm giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc.
THANH HÒA
Ý kiến ()