Thứ 6, 22/11/2024 12:53 [(GMT +7)]
Rước kiệu - cầu nối giữa lễ và hội
Thứ 5, 16/02/2012 | 09:03:00 [(GMT +7)] A A
Ngày 27 tháng giêng sắp tới, nghi lễ rước kiệu của lễ hội đền Tả Phủ - Kỳ Cùng với sự cuốn hút, cùng với các màn múa sư tử, lân, rồng hào hứng, điêu luyện, đặc sắc vẫn đang chào đón nhân dân, du khách đến chiêm bái.
LSO-Trong một lễ hội truyền thống thường bao gồm phần lễ và phần hội. Song, gọi phần lễ, phần hội chỉ là cách gọi tương đối mà thôi. Bởi vì, giữa chúng luôn có sự đan cài, bổ trợ cho nhau, trong lễ có hội, trong hội có lễ. Đối với một số lễ hội truyền thống như lễ hội đền Tả Phủ, lễ hội đền Kỳ Cùng, hay trước đó có lễ hội chùa Tam Thanh – Nhị Thanh thì nghi lễ rước kiệu được coi là cầu nối giữa lễ và hội.
Rước kiệu tại lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ
Sinh hoạt văn hóa lễ hội là nhu cầu chính đáng của mỗi cộng đồng, người dân. Thông qua lễ hội, mọi người được bày tỏ sự “thành kính“ và “ước vọng” của mình. Đó là sự thành kính đối với nhân vật được nhân dân thờ cúng tại các đền, chùa, miếu, phủ… và làm nên hồn cốt của lễ hội; đồng thời ước vọng những điều như sức khỏe, tài lộc, cuộc sống viên mãn, đủ đầy sẽ đến với bản thân và gia đình, rộng hơn đó là “quốc thái, dân an”, “nhân khang, vật thịnh”, nhà nhà no ấm, hạnh phúc…
Ở Lạng Sơn, không nhiều lễ hội truyền thống có nghi lễ rước kiệu. Trong chương trình lễ hội, nội dung rước kiệu bao giờ cũng náo nhiệt nhất. Đơn cử các lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh – Nhị Thanh (thành phố Lạng Sơn) khi có nghi lễ rước kiệu đều nườm nượp người cuốn theo hành trình. Kiệu đi đến đâu, nhân dân, du khách hai bên đường reo vui chào đón đến đó. Không những thế, nhiều gia đình, tổ liên gia, các hộ kinh doanh… còn sắm lễ rất trang trọng để nghênh đón. Những chú lợn quay béo ngậy, vàng giòn, thơm nức là vật phẩm không thể thiếu trong những mâm lễ lớn. Ngoài ra trong mâm lễ còn có bánh trái, hương, hoa rất tươm tất. Dẫn đầu đoàn rước kiệu bao giờ cũng là các đội sư tử, lân, rồng. Khi đoàn sắp đi qua, mọi người sẽ thắp hương để nghênh đón. Rồi khi đoàn đến nơi, người dâng lễ chắp tay vái kiệu của các vị tiền nhân được nhân dân kính ngưỡng rất kính cẩn, y như là đang đứng trước ban thờ, hương án tại các đền, chùa… Quan niệm dân gian cho rằng, mỗi năm đoàn rước kiệu đi qua chỉ có một lần vào dịp lễ hội và qua trước cửa các gia đình nên đây chính là dịp rất tốt để các gia chủ, cầu ước những điều may mắn, tốt lành, bình an sẽ đến với bản thân và gia đình; các chủ hộ kinh doanh thì cầu cho làm ăn buôn bán phát đạt, kinh doanh tăng trưởng, thuận lợi. Sự kính ngưỡng, cầu ước đó là rất thành tâm và đều là những điều chính đáng ai cũng mong mỏi. Có thể do điều kiện chủ quan, khách quan mà ta không đến được đền, chùa… để bày tỏ sự “thành kính và ước vọng” của mình thì việc sắp lễ tại gia như thế cũng là một hình thức mà ẩn tàng trong đó những ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy trọng thị, thành tâm. Như vậy, sự thành tâm của người dâng lễ dù là trực tiếp đến với đền, chùa hoặc dâng lễ trước cửa nhà khi có đoàn rước kiệu đi qua thì đều có ý nghĩa như nhau. Đó thật là ý nghĩa nhân văn. Chính đó nên nghi lễ rước kiệu vẫn được coi là cầu nối giữa lễ và hội là thế.
Năm nay, nghi lễ rước kiệu đối với các lễ hội: Chùa Tam Thanh – Nhị Thanh, đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ tiếp tục được duy trì, ngày càng đi vào nền nếp và có quy mô hơn. Theo đó, với lễ hội chùa Tam Thanh – Nhị Thanh đến nay đã là năm thứ 3 đưa nghi lễ rước kiệu bài vị danh nhân Ngô Thì Sỹ vào chương trình, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Minh chứng là, ngay từ năm đầu tiên (năm 2010) đưa nghi lễ này vào chương trình cho đến nay, người dân hai bên đường có đoàn rước kiệu đi qua đều sửa soạn lễ nghênh đón rất trang trọng, mọi người hồ hởi, phấn khởi chào đón. Đối với lễ hội đền Kỳ Cùng – đền Tả Phủ, năm 2012 này, lộ trình của đoàn rước kiệu được mở rộng thêm hơn 1km. Cụ thể, từ đền Kỳ Cùng đoàn rước kiệu tiến ra đường 17/10, rồi rẽ sang đường Nguyễn Tri Phương đến đường Nguyễn Du vòng lên đường Phai Vệ, Bà Triệu, Lê Lợi rồi tiếp nối vào lộ trình của các năm trước theo các tuyến đường Bắc Sơn – Lương Văn Tri – Thân Cảnh Phúc – Thân Công Tài – đền Tả Phủ. Vậy là trong lộ trình rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ có đi vòng qua chợ Đông Kinh – một điểm du lịch mua sắm hấp dẫn của nhiều du khách đến Lạng Sơn. Sau khi vào làm lễ tại đền Tả Phủ, đoàn rước kiệu sẽ rước về đền Kỳ Cùng theo lộ trình đường Bắc Sơn – Minh Khai – Trần Đăng Ninh – đền Kỳ Cùng. Việc mở rộng lộ trình đường rước kiệu trong chương trình lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ là đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của nhân dân, góp phần khắc họa sâu đậm trong nhân dân và du khách về một lễ hội truyền thống tiêu biểu của Xứ Lạng. Lễ hội đền Tả Phủ được mở ra nhằm tưởng nhớ đến Thân Công Tài, người đã có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa trở thành nơi giao thương buôn bán sầm uất của xưa và nay. Còn lễ hội đền Kỳ Cùng được tổ chức nhằm tri ân công đức của vị quan lớn Tuần Tranh – một vị tướng nhà Trần có công với Lạng Sơn. Với ý nghĩa sâu sắc, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, lễ hội Tả Phủ – Kỳ Cùng đã được tổ chức. Trong các nghi lễ, nghi thức có nội dung rước kiệu thần thực sự có ý nghĩa cộng cảm to lớn; khâu nối chặt chẽ phần lễ, phần hội, tạo nên sức cuốn hút mọi người.
Ngày 27 tháng giêng sắp tới, nghi lễ rước kiệu của lễ hội đền Tả Phủ – Kỳ Cùng với sự cuốn hút, cùng với các màn múa sư tử, lân, rồng hào hứng, điêu luyện, đặc sắc vẫn đang chào đón nhân dân, du khách đến chiêm bái.
Hoàng Hà
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()