Rừng tự nhiên do các doanh nghiệp quản lý đang bị tàn phá
Từ năm 2004 đến nay, tỉnh Đác Nông đã cấp phép đầu tư cho 31 doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích đất cho thuê là 22.149,4 ha, trong đó đất có rừng là 16.265,4 ha, đất không có rừng là 5.884,1 ha, với tổng số vốn đầu tư được phê duyệt gần 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp trồng rừng thì ít, nhưng để mất rừng thì nhiều.Trồng thì ít, để mất thì nhiềuPhó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Nông Vũ Minh Khôi cho biết: Theo các dự án được phê duyệt thì trong số 22.149,4 ha đất cho thuê, các doanh nghiệp sẽ đầu tư trồng rừng và các loại cây công nghiệp là 10.264,8 ha, trong đó gồm 4.339 ha rừng, 5.459,4 ha cao-su... còn lại khoanh nuôi QLBV rừng với diện tích 11.661,3 ha. Thế nhưng, kết quả kiểm tra cho thấy, đến cuối tháng 5-2010, các doanh nghiệp chỉ mới trồng được 3.686 ha cây trồng, đạt 16,3%, trong đó trồng rừng nguyên liệu là 1.658,8 ha và trồng cao-su được 2.027,4 ha....
Từ năm 2004 đến nay, tỉnh Đác Nông đã cấp phép đầu tư cho 31 doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất nông – lâm nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích đất cho thuê là 22.149,4 ha, trong đó đất có rừng là 16.265,4 ha, đất không có rừng là 5.884,1 ha, với tổng số vốn đầu tư được phê duyệt gần 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, các doanh nghiệp trồng rừng thì ít, nhưng để mất rừng thì nhiều.
Trồng thì ít, để mất thì nhiều
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Nông Vũ Minh Khôi cho biết: Theo các dự án được phê duyệt thì trong số 22.149,4 ha đất cho thuê, các doanh nghiệp sẽ đầu tư trồng rừng và các loại cây công nghiệp là 10.264,8 ha, trong đó gồm 4.339 ha rừng, 5.459,4 ha cao-su… còn lại khoanh nuôi QLBV rừng với diện tích 11.661,3 ha. Thế nhưng, kết quả kiểm tra cho thấy, đến cuối tháng 5-2010, các doanh nghiệp chỉ mới trồng được 3.686 ha cây trồng, đạt 16,3%, trong đó trồng rừng nguyên liệu là 1.658,8 ha và trồng cao-su được 2.027,4 ha. Huyện Tuy Đức là địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nhất với 18 dự án, nhưng đến nay chỉ mới có năm dự án triển khai thực hiện và kết quả chỉ mới trồng được 393,4 ha cây trồng, trong đó trồng rừng nguyên liệu là 30 ha, trồng cao-su là 363,4 ha, đạt 11,2%; 13 dự án còn lại chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng không đạt kết quả. Tại huyện Đác Glong có sáu dự án đầu tư, trong đó có bốn dự án đã triển khai thực hiện nhưng cũng chỉ trồng được 497,5 ha, đạt 36,9%, gồm trồng rừng nguyên liệu 405,5%, trồng cao-su 72 ha… Trong khi đó, tổng diện tích rừng tại các dự án đã giao cho các doanh nghiệp quản lý đã bị chặt phá trái phép lên đến 1.744,8 ha. Tuy nhiên, đây chỉ là những diện tích rừng bị phá đã phát hiện và thống kê được, còn diện tích rừng bị phá thực tế có thể lớn hơn nhiều vì nhiều doanh nghiệp không phát hiện được hoặc không thống kê hết diện tích rừng bị phá, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn 'ém' bớt diện tích rừng bị phá, không báo cáo. Chẳng hạn như tại Công ty cổ phần cao-su Đồng Phú – Đác Nông, năm 2007, công ty được UBND tỉnh Đác Nông giao 4.213 ha rừng, đất rừng thuộc bốn Tiểu khu 840, 826, 839 và 854 của xã Đác Win và Ea Pô huyện Cư Giút để khoanh nuôi, bảo vệ và trồng cao-su, nhưng theo báo cáo của công ty thì đến nay đã có 554 ha rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép. Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT Đác Nông thì diện tích rừng do công ty quản lý bị phá trái phép có thể lớn hơn nên cần phải kiểm tra lại mới biết chính xác diện tích rừng bị phá là bao nhiêu.
Cũng theo ông Vũ Minh Khôi, trong tổng số diện tích rừng giao cho các doanh nghiệp QLBV bị phá trái phép trên địa bàn tỉnh thì huyện Tuy Đức có diện tích rừng bị phá nhiều nhất với 1.394 ha; kế đến là huyện Đác Song 139,6 ha và huyện Đác Glong là 134,8 ha… Địa điểm rừng bị phá tập trung tại các dự án nằm trên địa bàn xã Đác Ngo, Quảng Trực huyện Tuy Đức giáp ranh với huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Trong đó, các doanh nghiệp để mất rừng nhiều nhất là Công ty TNHH Long Sơn 353,3 ha; Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới 312 ha; doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc 160 ha; Công ty TNHH Ngọc Thạch hơn 100 ha; Công ty TNHH Hoàng Thiên 157,3 ha; Công ty Greengarden Trường Xuân 139,6 ha; Công ty TNHH Luân Thịnh 60 ha; Công ty cổ phần Thiên Sơn 42,9 ha…
Chúng tôi đến dự án của Công ty TNHH Ngọc Thạch được triển khai thực hiện từ năm 2007 tại các Tiểu khu 1515, 1516 nằm trên địa bàn xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức. Dự án có diện tích 451,9 ha, trong đó diện tích rừng cần QLBV là 249 ha, diện tích khoanh nuôi làm giàu rừng là 124 ha, còn lại là trồng rừng, cao-su. Thế nhưng, sau hơn ba năm triển khai thực hiện dự án, hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng đã có hơn 100 ha rừng tự nhiên do công ty này quản lý đã bị 'xóa sổ'. Vừa đến đầu Tiểu khu 1515, 1516 thuộc lâm phận Công ty TNHH Ngọc Thạch quản lý, đập vào mắt chúng tôi là hàng chục ha rừng đã bị người dân chặt phá, phát, dọn để chiếm đất sản xuất, nhưng không thấy bóng dáng lực lượng bảo vệ rừng của công ty ở đâu. Một cán bộ thôn dẫn đường cho biết: 'Không phải bây giờ mà kể từ khi được tỉnh cho thuê đất triển khai thực hiện dự án đến nay, có bao giờ thấy người của công ty đâu mà bảo vệ'. Đi sâu thêm vào rừng, nhiều cánh rừng già hàng trăm năm tuổi nay chỉ còn lại vài cây thưa thớt, xen lẫn với các rẫy sắn. Một số người dân sinh sống chung quanh khu vực đất của công ty cho biết: Đến nay công ty chỉ mới trồng được hơn mười ha cao-su, còn không thấy trồng thêm cây gì nữa. Tương tự, tại các Tiểu khu 1526, 1528, 1534 thuộc lâm phận do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới quản lý nằm trên địa bàn xã Đác Ngo, huyện Tuy Đức, tình trạng rừng bị chặt phá trái phép càng thảm khốc hơn, những cánh rừng già hàng trăm năm tuổi bị phá tan hoang, nhiều gốc cây có đường kính từ 0,5 đến 0,9 m bị đốn hạ, đốt cháy đen thui, nhiều lóng gỗ tròn đường kính 60 đến 70 cm còn sót lại nằm ngổn ngang. Còn tại Tiểu khu 1522 do Công ty TNHH Hoàng Ba quản lý, có hàng chục lán trại do 'lâm tặc' dựng lên để khai thác gỗ. Tại đây, chúng tôi gặp anh Huỳnh Văn Trọng, một người dân ở xã Đác Ngo đang trên đường đi làm rẫy về. Anh Trọng cho biết: 'Trong thời gian qua, tình trạng khai thác gỗ ở đây diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm, đối tượng phá rừng chủ yếu từ tỉnh Bình Phước kéo lên, họ ngang nhiên sử dụng cưa máy phá rừng ồ ạt và dùng xe độ chế chở gỗ đi, nhưng không hiểu vì sao không có lực lượng chức năng nào vào ngăn chặn, xử lý'. Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Phạm Hồng Thái cho biết: Rừng thuộc Tiểu khu 1658 này đã được tỉnh giao cho hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thiên Sơn và Công ty TNHH Thương mại Đình Nghệ thuê để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông – lâm nghiệp. Thế nhưng, thời gian qua, do có tranh chấp giữa người dân địa phương với doanh nghiệp nên rừng không có ai QLBV, ngược lại đã có hàng chục ha rừng bị chặt phá.
Ai chịu trách nhiệm ?
Tỉnh Đác Nông có diện tích đất lâm nghiệp và rừng tự nhiên hơn 391 nghìn ha, trong đó diện tích rừng là 325 nghìn ha. Trước đây do tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp nên năm 2004, tỉnh Đác Nông đã ban hành chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp nhằm hai mục đích, vừa khai thác tiềm năng đất đai, vừa giao rừng cho các doanh nghiệp khoanh nuôi QLBV để giữ rừng. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy, việc cho các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng để trồng rừng, cao-su và khoanh nuôi QLBV rừng ở Đác Nông đã không phát huy hiệu quả như mong muốn, ngược lại rừng bị mất nhiều hơn. Cụ thể, đến nay các doanh nghiệp chỉ mới trồng được 3.686 ha cây trồng các loại, đạt 16,3% diện tích theo quy hoạch, trong khi đó lại để mất rừng với diện tích 1.744,8 ha, tăng hơn trước thời điểm bàn giao rừng cho các doanh nghiệp quản lý tới 1.582 ha. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn để người dân xâm canh, tranh chấp đất trong các dự án là 5.396 ha. Vấn đề đặt ra ở đây là sau khi tỉnh cho thuê, giao rừng cho các doanh nghiệp khoanh nuôi QLBV, nhưng các doanh nghiệp không đủ năng lực và buông lỏng công tác QLBV rừng, để mất rừng với diện tích lớn thì ai chịu trách nhiệm? Bởi thực tế trong những năm qua, đã có hàng loạt doanh nghiệp để mất rừng với diện tích lớn như nêu ở phần trên nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp hay một đơn vị, cá nhân nào chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trước pháp luật. Nếu để tình trạng này kéo dài chẳng bao lâu nữa những cánh rừng già quý hiếm ở Đác Nông sẽ bị xóa sổ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()