Rừng phòng hộ đã có chủ đích thực
LSO-Trong tổng số hơn 134,7 nghìn héc ta rừng và đất rừng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh, mới chỉ có 83,3 nghìn héc ta nằm nhỏ lẻ, phân tán là đã giao quản lý. Số còn lại, từ khi Ban quản lý trồng rừng 661 giải thể đến nay chưa có chủ đích thực.
![]() |
Nhân dân xã Châu Sơn, huyện Đình Lập ươm giống trồng rừng |
Sau khi rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, diện tích đất rừng phòng hộ của toàn tỉnh là 134.745,9 ha. Trong 12 năm thực hiện dự án trồng rừng 661 (1998-2010), nhân dân trong toàn tỉnh đã trồng mới 37.182 ha rừng phòng hộ, con số cao so với toàn quốc. Bước sang năm 2011-2012 do dự án trồng rừng 661 kết thúc nên rừng phòng hộ không có vốn để trồng mới. Từ năm 2013 đến nay, mặc dù nguồn vốn rất hạn hẹp nhưng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, ngành và nhân dân, toàn tỉnh đã trồng thêm được gần 2.000 ha rừng phòng hộ.
Số diện tích trồng mới đã nâng diện tích có rừng trong tổng số diện tích đất quy hoạch cho rừng phòng hộ lên hơn 95,6 nghìn héc ta. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp từ cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao chất lượng phòng hộ. Ông Hoàng Thế Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: người dân Hữu Lũng rất chuộng rừng bạch đàn, nhưng do bạch đàn không có tác dụng phòng hộ, nên trong nội dung này huyện kiên quyết sử dụng các loại cây có tác dụng phòng hộ tốt để trồng.
Không chỉ riêng ở Hữu Lũng mà các huyện khác đều rất chú trọng tới chất lượng rừng trồng mới trong nội dung này. Trồng rừng phòng hộ kết hợp trồng cây có tầng tán cao, đa tác dụng như trám, sấu, lát… đã tạo ra những khu rừng vừa có tác dụng phòng hộ vừa nâng cao giá trị kinh tế của rừng, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, chủ thể quản lý rừng phòng hộ lại là câu chuyện khiến các ngành hữu quan trăn trở. Ông Hoàng Quang Chinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: trong tổng số 146 xã có rừng phòng hộ, thì trước đây chỉ có 40 xã đã giao hết rừng và đất rừng phòng hộ cho các tổ chức, cá nhân quản lý với diện tích 83,3 nghìn héc ta. Số còn lại, sau khi dự án 661 kết thúc, các ban quản lý dự án tự giải thể, những diện tích trước đây do ban quản lý các huyện giao khoán bảo vệ chưa được giao cho tổ chức, cá nhân nào quản lý. Hay nói cách khác, từ đó đến nay hơn 51,4 nghìn héc ta rừng và đất rừng phòng hộ chưa có người chủ đích thực. Không có chủ thể quản lý, bảo vệ số diện tích rừng phòng hộ này có nguy cơ lớn bị xâm hại.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã giao cho các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất hướng giao rừng và đất rừng phòng hộ. Ngày 19/8/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 1295 về việc giao rừng và đất rừng phòng hộ chưa giao, chưa cho thuê cho UBND cấp xã quản lý. Theo đó giao 51.424,44 ha rừng và đất rừng phòng hộ cho UBND 106 xã thuộc 10 huyện quản lý. Trong đó diện tích đất có rừng là 33.422,6 ha.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh và của ngành, hiện nay chi cục đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai. Lộ trình đặt ra là phấn đấu trong năm 2014 sẽ tiến hành giao xong hoặc chậm nhất đến quý I/2015 là hoàn thành.
Thực chất ngay từ khâu lập tờ trình, tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định, các xã đã lập phương án chi tiết kế hoạch giao, cho thuê rừng trình UBND huyện phê duyệt. Công việc còn lại là các ngành hữu quan sẽ rà soát, thực hiện bàn giao rừng tại thực địa cho UBND xã.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan khẳng định: việc giao rừng và đất rừng phòng hộ cho UBND cấp xã quản lý là rất phù hợp, từ đó, xã sẽ giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình quản lý. Tất nhiên các cơ quan chuyên môn sẽ không phó mặc cho cấp xã, bởi trong quá trình đó người dân, những chủ thể được giao quản lý rừng và đất rừng phòng hộ rất cần được hướng dẫn, giúp đỡ để có thể chăm sóc, bảo vệ kết hợp với khai thác rừng và các sản phẩm phụ từ rừng phòng hộ đúng cách và đúng luật.
VŨ NHƯ PHONG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()