Rừng đêm vang tiếng học bài
Cán bộ, trí thức trẻ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 (Quân khu 4) dạy chữ ở lớp học bản Ngố, xã Mường Chanh (Mường Lát, Thanh Hóa). |
Sự có mặt đột xuất của đoàn kiểm tra không làm lớp học xáo động. Hàng chục người đủ mọi lứa tuổi, chăm chú nhìn lên bảng, dõi theo tay thước chỉ của cô giáo đọc từng chữ, từng câu rõ ràng, mạch lạc. Một cán bộ trong đoàn kiểm tra chép một đoạn trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng vào cuốn sổ của mình rồi đưa cho cô gái Lương Thị Nụ, người dân tộc Thái đọc. Sau phút ngại ngùng với người lạ, cô gái đứng lên và đọc khá suôn sẻ. Một cán bộ khác trong đoàn kiểm tra lại xin số rồi nhắn tin vào máy điện thoại của chàng trai Lương Văn Dậu và yêu cầu đọc tin nhắn. Lương Văn Dậu không chỉ đọc đúng mà còn đọc khá nhanh tin nhắn… Đến các lớp học khác ở bản Ngố, bản Cang, bản Na Hin, bản Lách, lớp nào cũng đông học sinh và đặc biệt nhất là các em được chọn “sát hạch” ngẫu nhiên đều đọc khá thông, viết khá thạo và làm được các phép tính. Anh Đào Khả Phúc, chuyên viên về công tác xóa mũ chữ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát nói với tôi: “Chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều lớp xóa mù chữ và chống tái mù chữ nhưng hiệu quả thấp vì số lượng học sinh bỏ học giữa chừng khá nhiều. Những lớp học do Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 mở lúc nào học sinh cũng đi học đầy đủ và nhận thức rất tốt”.
Nói về cách thức xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho dân bản, Đại tá Thiều Ngọc Vy, Chính ủy Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 cho biết: “Đơn vị đã phát huy tốt vai trò của trí thức trẻ tình nguyện để thành lập các tổ giáo viên “cắm bản”, đồng thời trên cơ sở bài giảng chung, Đoàn chỉ đạo đội ngũ giáo viên phải lồng ghép nội dung dạy chữ kết hợp với dạy cho dân bản biết thêm nhiều điều về phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, v.v.”.
Để mở bảy lớp học ở xã Mường Chanh, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 đã đưa bốn tổ giáo viên xuống “cắm bản”. Mỗi tổ giáo viên đều có thầy giáo hoặc cô giáo biết tiếng của dân bản. Trước ngày khai giảng hơn một tháng, các tổ giáo viên đã có mặt, mượn nhà dân để ở và tiến hành “Lập danh sách” học sinh. Các tổ giáo viên xóa mù chữ đến từng nhà dân bản vừa tuyên truyền vừa lồng ghép “kiểm tra” việc nhận biết mặt chữ. Mỗi nội dung tuyên truyền được in thành tờ rơi rồi đưa cho từng người đọc. Người nào không đọc được, các tổ giáo viên vận động và “Lập danh sách” để họ tham gia lớp học xóa mù chữ.
Quá trình xóa mù chữ, khi học đến chữ nào các giáo viên đều hướng dẫn cách sản xuất, bảo đảm vệ sinh, giữ gìn sức khỏe… phù hợp chữ đó. Thí dụ như khi học chữ “Ngô”, các học sinh được thầy giáo, cô giáo hướng dẫn. Từ hạt giống ngô mà Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 5 cấp miễn phí, cách thức làm đất, gieo hạt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… để cây ngô đẻ bông to, nhiều hạt… Cuối mỗi buổi học, các thầy giáo, cô giáo dành thời gian để hỏi học sinh về công việc ngày mai của gia đình họ. Gia đình nào có nhiều việc bận, thầy giáo, cô giáo đến tận nơi giúp đỡ họ giải quyết xong việc gia đình để buổi tối họ tiếp tục đến lớp. Gặp lại cô gái Lương Thị Nụ ở lớp học bản Na Chừa, Nụ nói với tôi: “Thấy em ham học cái chữ, chồng em vui lắm. Anh ấy giúp em làm nốt các việc gia đình sau bữa cơm tối và chăm sóc con gái gần hai tuổi để em yên tâm đi học. Không chỉ có chồng em, mà nhiều người đàn ông dân tộc Thái, Khơ Mú… Ở Mường Chanh cũng giúp vợ rất nhiều việc, tạo điều kiện cho chị em đến lớp đúng giờ”. Chị Vi Thị Nghiệp ở bản Ngố thì tâm sự: Ngoài giờ học ở lớp, ở nhà hai mẹ con mình thường xuyên học bài với nhau. Con gái mình học lớp 1, trước đây, thấy con học bài mà mình chẳng biết gì hết nhưng bây giờ nhờ sự dạy chữ của các thầy giáo, cô giáo mình có thể chỉ cho con học bài tốt hơn.
Bí thư chi bộ bản Cang Lò Văn Khứn, khẳng định “Từ lúc có thầy giáo, cô giáo Đoàn 5 dạy chữ, đêm nào núi rừng Mường Chanh cũng vang tiếng học bài”.
Ý kiến ()