Rumani: Căng thẳng liên quan dự luật cải cách y tế chưa lắng dịu
Ngày 17/1, Thủ tướng Rumani Emin Bốc (Emil Boc) đã tái bổ nhiệm Thứ trưởng Y tế Raét Araphát (Raed Arafat), người vừa từ chức tuần trước sau khi lên tiếng chỉ trích dự luật cải cách y tế do chính phủ đưa ra, gây nên một làn sóng biểu tình trên toàn quốc.Các cuộc biểu tình lúc đầu chỉ nhằm ủng hộ ông Araphát, người đã phản đối dự luật cải cách y tế theo hướng tư nhân hóa một phần hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Tuy nhiên, phong trào xuống đường đã nhanh chóng phát triển rộng khắp và rầm rồ nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đòi Tổng thống Traian Baxêxcu (Traian Basescu) và chính phủ liên minh của ông phải từ chức, cho dù chính phủ đã tạm rút lại dự luật cải cách y tế kể trên. Theo các nhà phân tích, sự trở lại của ông Araphát khó có thể đáp ứng được yêu cầu của hàng nghìn người Rumani đã xuống đường biểu tình suốt 5 ngày qua.Cảnh sát chống bạo động cho biết trong ngày 17/1 đã có hơn 1.000 người tham...
Ngày 17/1, Thủ tướng Rumani Emin Bốc (Emil Boc) đã tái bổ nhiệm Thứ trưởng Y tế Raét Araphát (Raed Arafat), người vừa từ chức tuần trước sau khi lên tiếng chỉ trích dự luật cải cách y tế do chính phủ đưa ra, gây nên một làn sóng biểu tình trên toàn quốc.
Các cuộc biểu tình lúc đầu chỉ nhằm ủng hộ ông Araphát, người đã phản đối dự luật cải cách y tế theo hướng tư nhân hóa một phần hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này. Tuy nhiên, phong trào xuống đường đã nhanh chóng phát triển rộng khắp và rầm rồ nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đòi Tổng thống Traian Baxêxcu (Traian Basescu) và chính phủ liên minh của ông phải từ chức, cho dù chính phủ đã tạm rút lại dự luật cải cách y tế kể trên. Theo các nhà phân tích, sự trở lại của ông Araphát khó có thể đáp ứng được yêu cầu của hàng nghìn người Rumani đã xuống đường biểu tình suốt 5 ngày qua.
Cảnh sát chống bạo động cho biết trong ngày 17/1 đã có hơn 1.000 người tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Bucarét. Dự kiến các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục trong ngày 18/1 ở nhiều thành phố khác.
Theo ước tính của cảnh sát, có khoảng 13.000 người đã xuống đường biểu tình trên toàn quốc kể từ ngày 13/1. Bucarét được coi là nơi diễn ra cuộc biểu tình lớn nhất ở Rumani trong hơn 1 thập kỷ qua. Tại Bucarét hồi cuối tuần qua, những người biểu tình đã đập vỡ cửa kính, đốt quầy báo, đốt xe… Nhiều người đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động, buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.
Rumani là quốc gia nghèo thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) và chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Để tránh nguy cơ vỡ nợ, Chính phủ nước này buộc phải thắt chặt chi tiêu và tiến hành cải cách để nhận được sự trợ giúp của các thể chế tài chính quốc tế.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()