Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước thượng nguồn Mê Kông
Ngày 20/7, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức Chương trình "Nhịp cầu báo chí - Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mê Kông tới Đồng bằng sông Cửu Long".
Đây là chương trình trao đổi, chia sẻ thông tin về các chủ đề bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững nhằm kết nối các nhà khoa học, nghiên cứu chính sách với các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, thúc đẩy những thảo luận về chính sách công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản trị tài nguyên thiên nhiên.
Theo Báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên, lưu vực sông Mê Kông có diện tích khoảng 795.000 km² với tổng dung lượng nước hàng năm là 475 tỷ m³. Tuy nhiên lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Hiện nay, lượng nước sông Mê Kông lấy để dùng cho nông nghiệp, công nghiệp và các loại sử dụng có tiêu hao khác ở hạ lưu vực vào khoảng 60 tỷ m³ hay 12% lưu lượng trung bình hàng năm.
Đáng lưu ý, trong các nước lưu vực Mê Kông, Thái Lan là nước có nhiều công trình tưới nhất (6.338 công trình) với diện tích tưới lớn thứ 2 chỉ sau Việt Nam. Các dự án này chủ yếu nằm dọc hành lang các sông và các cánh đồng ngập lũ vùng Đông Bắc, quanh các hồ chứa dung tích lớn và các đập dâng nhỏ. Hiện Thái Lan đã dự định có thêm 990 dự án nữa chủ yếu là chuyển và bơm nước từ sông Mê Kông.
Hai nước Campuchia và Lào có diện tích tưới nhỏ hơn nên nhu cầu từ các dự án chuyển và bơm nước cũng bớt gay gắt hơn. 75% diện tích canh tác của Campuchia phụ thuộc chủ yếu vào lượng mưa. Trong khi đó ở Lào, diện tích tưới chủ yếu là các dải đất hẹp nằm dọc các nhánh và các cánh đồng ngập lũ cạnh dòng chính Mê Kông.
Đối với Việt Nam, diện tích tưới hàng năm hiện tại là gần 1,92 triệu ha (chiếm 48% tổng diện tích tưới lưu vực sông Mê Kông). Theo kịch bản phát triển đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 339 dự án tưới quy mô nhỏ ở Sê San, Srepok với diện tích tăng thêm 125.165 ha. Các dự án lớn đang triển khai trên khu vực thượng lưu có thể kể đến như: Dự án tưới vùng Đông Bắc Thái Lan với tiềm năng khoảng 65 tỷ m³, Dự án tưới Vaico ở Campuchia với tiềm năng khoảng 100 triệu m³.
Trong khi Việt Nam nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong mùa khô năm 2015-2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. Ngoài tác động của El Nino cực đoan thì những tác động tích lũy ban đầu của các dự án phát triển (thủy điện, chuyển nước, lấy nước) ở vùng thượng lưu sông Mê Kông cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Vấn đề này cũng đã được đặt ra từ lâu trong các hội nghị phân tích về những nguy cơ tác động tới lưu vực sông Mê Kông. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước thượng lưu đang đẩy mạnh khai thác các dự án chuyển nước đang làm dấy lên quan ngại về sự ảnh hưởng tới tình hình kinh tế, xã hội cũng như hệ sinh thái toàn bộ lưu vực.
Về các tác động tới hạ lưu, nếu tất cả các dòng nhánh bên bờ sông Mê Kông thuộc Thái Lan (khoảng trên 20 sông nhánh lớn nhỏ) đều có các cống, trạm bơm, chuyển nước vào các hồ chứa thì cùng với các dự án tương tự tại Campuchia, lượng nước lũ về Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ giảm bớt. Điều này gây ra tác động làm thay đổi chế độ dòng chảy lũ do việc tích nước và vận hành các đập thủy điện trên thượng lưu, hiện tượng lũ hay “lũ đẹp” thường thấy trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long vì thế nay sẽ ít xuất hiện.
Ngoài số lượng nước, lượng phù sa chắc chắn cũng sẽ bị suy giảm, tác dụng thau chua, rửa phèn, bồi bổ phù sa cho các diện tích canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng. Các tác động này, cộng với các tác động do các đập thủy điện gây ra sẽ là đáng kể, đặc biệt là thay đổi chế độ dòng chảy mùa mưa lũ và các tác động tới hệ sinh thái môi trường thủy sinh, các loài cá…
Để giải quyết vấn đề trên, đa số các kiến nghị đều tập trung đẩy mạnh thu thập, cập nhật thông tin qua các cơ quan hữu quan, các tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia, báo chí để theo dõi, giám sát …
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()