Rủi ro tiềm ẩn trong xuất khẩu nông sản, trái cây tươi
LSO-Việc mua bán hàng hóa tự do, không có hợp đồng ngoại thương (HĐNT) dẫn đến những rủi ro tiềm ẩn cho doanh nghiệp (DN), tư thương trong quá trình xuất khẩu nông sản, trái cây tươi qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Mua bán dựa trên tin tưởng
Hằng năm, bình quân kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua địa bàn Lạng Sơn đạt gần 5 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD, chủ yếu là nông sản, hoa quả tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng năm 2019, tổng kim ngạch XNK đạt gần 4,8 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm sản khoảng 2,4 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một số mặt hàng hoa quả chủ lực có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thanh long, dưa hấu, xoài, mít, nhãn, vải thiều… và chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch qua các cửa khẩu: Tân Thanh, Cốc Nam, một số lối mở.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn nhưng hoạt động giao thương chủ yếu diễn ra bằng loại hình giao dịch tự do, mua bán dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác của Việt Nam và Trung Quốc, chỉ có số ít DN, tư thương ký kết HĐNT.
Theo cơ quan chức năng, Lạng Sơn hiện có trên 1.000 DN và hàng nghìn tư thương, hộ kinh doanh cá thể trong cả nước có hoạt động XNK nông sản, hoa quả tươi qua địa bàn tỉnh (chiếm khoảng 50% tổng số DN, tư thương có hoạt động XNK ở tất cả các mặt hàng). Trong số các DN, tư thương XNK nông sản, trái cây thì có tới 90% DN, tư thương có thói quen giao dịch tự do, “thuận mua vừa bán” tại chợ biên giới mà không thực hiện ký kết HĐNT với đối tác phía Trung Quốc.
Bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết: Địa bàn cửa khẩu có gần 300 DN, tư thương XNK hàng nông sản, trái cây thì hầu như đều mang hàng sang chợ biên giới Pò Chài bán tự do hoặc có thỏa thuận đặt và cung cấp hàng bằng miệng chứ không ký kết HĐNT với bạn hàng. Từ đầu năm 2020 đến nay, chi cục đã làm thủ tục thông quan cho gần 2.500 tờ khai xuất khẩu nông sản, trái cây với kim ngạch đạt gần 80 triệu USD.
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm 2019 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận gần 22.400 tờ khai của 122 DN và nhiều tư thương của tỉnh có hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây tươi với giá trị kim ngạch xuất đạt gần 900 triệu USD bằng loại hình xuất biên giới, không có HĐNT.
Bà Nguyễn Ngọc Hoa, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mỗi năm, tôi xuất khẩu khoảng 4.000 tấn nông sản, hoa quả sang Trung Quốc. Việc mua bán hàng hóa chủ yếu hai bên thỏa thuận, đặt, cung ứng và trao trả hàng tại chợ biên giới. Có nhiều thời điểm, cung vượt quá cầu, xe hàng bị ùn ứ nhiều làm cho mẫu mã, chất lượng giảm thì tư thương Trung Quốc thường ép giá, trả hàng hoặc trừ tiền từ 10 – 20 triệu đồng/ xe. Do không ký kết hợp đồng mua bán nên chúng tôi không biết kêu ai và không có cơ sở để ràng buộc bên mua.
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu tại Chi cục Hải quan
cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc)
Cần tránh rủi ro
Theo phản ánh từ cơ quan chức năng và một số DN, tư thương, những năm gần đây, do mua bán tự do nên nhiều DN, tư thương của Việt Nam đã gặp rủi ro khi trao đổi hàng hóa như: rủi ro trong thanh toán, chậm giao nhận hàng, bị ép giá sản phẩm; bị trừ tiền, trả lại hàng do mẫu mã, chất lượng không đảm bảo, không đáp ứng đúng yêu cầu…
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Không chỉ thiệt thòi, DN, tư thương còn “thua” ngay trên sân nhà khi không thực hiện HĐNT. Thể hiện rõ nhất là thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lực lượng chức năng Trung Quốc siết chặt quản lý XNK để phòng chống dịch bệnh nên đã ưu tiên XNK với những lô hàng có hợp đồng. Đồng nghĩa với đó, các DN, chủ hàng không có hợp đồng phải chờ nhiều ngày mới đến lượt xuất hàng dẫn đến tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Thực tế đã có một số trường hợp do hàng hóa giảm chất lượng, không tiêu thụ được ở chợ biên giới đã phải chở hàng quay đầu bán bán tháo tại nội địa.
Được biết việc DN, tư thương chưa mặn mà thực hiện HĐNT khi giao dịch là do về nguyên tắc: hàng nông sản, trái cây được XNK qua “luồng xanh” ( miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa)nên trong hồ sơ hải quan không nhất thiết phải xuất trình HĐNT. Cùng đó, DN, tư thương và bạn hàng còn giữ thói quen mua bán hàng hóa theo hình thức tự do, tự phát, không có ràng buộc. Hơn nữa, để thực hiện được HĐNT thì có những rào cản khó thực hiện đó là hai bên đối tác phải đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện cần thiết về trụ sở, cơ sở chế biến sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về bao bì, mẫu mã, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm…
Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương cho biết: HĐNT là căn cứ pháp lý trong thực hiện giao dịch hàng hóa giữa bên mua và bán. Thời gian qua, sở thường xuyên có công văn gửi sở công thương các tỉnh, thành khuyến cáo các DN, tư thương quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu thông qua hợp đồng mua bán và chú trọng thực hiện các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại. Tuy nhiên các DN, tư thương cũng chưa mặn mà thực hiện.
Có thể thấy, HĐNT đóng vai trò quan trọng trong hoạt động XNK hàng hóa. Để tránh rủi ro trong kinh doanh, trước mắt DN, tư thương cần có những biện pháp tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình như tìm hiểu đầy đủ kỹ lưỡng về đối tác giao dịch, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp, nâng cao năng lực điều hành kinh doanh, đồng thời giữ uy tín trong mua bán hàng hóa với bạn hàng.
Ý kiến ()