Rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã cảnh báo về những ảnh hưởng đối với kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới nên cuộc xung đột Nga-Ukraine được các chuyên gia đánh giá sẽ tác động đến giá lúa mì và bánh mì trên thế giới.
Những rủi ro kinh tế từ cuộc xung đột được dự báo sẽ vượt ra ngoài lãnh thổ Ukraine, tác động tới sự phục hồi của toàn cầu sau đại dịch Covid-19. Chia sẻ nhận định của WTO, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, cuộc xung đột Ukraine sẽ khiến kinh tế toàn cầu bất ổn, làm suy yếu niềm tin vào các thị trường mới nổi. Theo IMF, dòng tiền đang chảy khỏi các thị trường mới nổi, trong khi thực tế cần điều ngược lại.
Căng thẳng leo thang tại Ukraine và nguy cơ các nước phương Tây cùng Nhật Bản tăng cường trừng phạt nhằm vào các ngân hàng Nga đã đẩy giá dầu tại châu Á vào đầu phiên sáng 28/2 tăng hơn 7 USD. Những hạn chế thanh toán qua ngân hàng làm gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu từ nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới có thể bị gián đoạn. Giá dầu Brent tăng 5,6%, lên 103,39 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) tăng 6,2%, lên 97,23 USD/thùng. Giới phân tích cho rằng, xung đột leo thang tại Ukraine có thể đẩy giá dầu tiếp tục tăng.
Việc các nước EU gia tăng trừng phạt Nga và Nga tuyên bố đáp trả nhằm vào lĩnh vực tài chính của EU đặt khu vực đồng tiền euro (Eurozone) trước những rủi ro kinh tế tiềm tàng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang theo dõi sát tình hình tại Ukraine, cũng như những tác động đối với nền kinh tế Eurozone. ECB đang từng bước giảm nhịp độ Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch (PEPP) – vốn là công cụ chính để giúp các nước thành viên giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế vì đại dịch. Gần đây, ngân hàng đang chịu áp lực để đẩy nhanh kế hoạch này, mở ra triển vọng tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone lên mức 5,1% hồi tháng 1 vừa qua, vượt xa mục tiêu 2% mà các ngân hàng nội khối đã đặt ra.
Mức lạm phát kỷ lục một phần không nhỏ là do giá nhiên liệu tăng đột biến sau những căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga, một trong những nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Tình hình leo thang ở Ukraine sẽ tác động mạnh hơn nữa tới khu vực này bởi nó sẽ không chỉ có tác động đối với giá dầu và khí đốt, mà còn đối với niềm tin của nhà đầu tư, niềm tin của người tiêu dùng và lĩnh vực thương mại.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng được xem như cú sốc lớn đối với nền kinh tế Ðức – “đầu tàu kinh tế” châu Âu cả về cung và cầu.
Cục Thống kê liên bang Ðức (Destatis) cảnh báo, cuộc xung đột ở Ukraine đang có nguy cơ tạo ra những rủi ro mới đối với nền kinh tế Ðức trong bối cảnh GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2021 vẫn thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19. Các chuyên gia lo ngại làn sóng lây nhiễm Omicron hiện nay tiếp tục gây sức ép đối với nền kinh tế Ðức trong quý I/2022, điều có thể dẫn tới suy thoái kỹ thuật khi sản lượng kinh tế sụt giảm trong hai quý liên tiếp.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng kéo theo lạm phát và giá cả hàng hóa ở Mỹ cũng tăng lên. Chi phí năng lượng trung bình của các gia đình Mỹ trong năm nay có thể tăng khoảng 750 USD so với năm ngoái. Người tiêu dùng Mỹ đang căng thẳng trước đà tăng giá của nhiều loại hàng hóa do đại dịch thắt chặt chuỗi cung ứng.
Theo các nhà phân tích, đà tăng chi phí hàng hóa nông nghiệp có tác động yếu đối với giá tiêu dùng, song vẫn có thể khiến lạm phát tại các nền kinh tế phát triển tăng thêm 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm trong vài tháng tới. Nhà kinh tế Michael Strain của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) cho rằng, thương mại và đầu tư nước ngoài của Mỹ có thể gián tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến động địa chính trị tại châu Âu.
Ý kiến ()