"Rửa tay với xà phòng" - một hành động thiết thực hưởng ứng Phong trào "Vệ sinh yêu nước"
Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã và đang nhận được sự quan tâm, đồng thuận và hưởng ứng sâu rộng trong toàn xã hội. Một trong những hành động thiết thực tham gia phong trào chính là thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe, trong đó có việc thực hiện rửa tay với xà phòng.
Hành động nhỏ – Ý nghĩa lớn
Rửa tay với xà phòng là một việc làm tưởng như rất đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được một cách thường xuyên, song trên thực tế, tỷ lệ người thực hiện hành vi này còn khá thấp.
Kết quả điều tra “Thực trạng vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân ở nông thôn Việt Nam” năm 2006 do Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Đại học Y Thái Bình và UNICEF phối hợp thực hiện cho thấy, tỷ lệ người rửa tay thường xuyên với xà phòng rất thấp. Chỉ có 12% số người được phỏng vấn khẳng định có rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; 12,2% sau khi tiểu tiện và 15,6% sau khi đại tiện. Đa phần người dân quan niệm chỉ cần rửa khi tay có mùi hôi hoặc bị bẩn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 6/2007 từ việc theo dõi cách rửa tay của các bà mẹ có con dưới 5 tuổi ở 8 tỉnh tại Việt Nam cũng cho thấy, các bậc phụ huynh còn khá thờ ơ với công việc rất đơn giản này khi có đến 64% bà mẹ “quên” rửa tay trước khi cho trẻ ăn. Sau khi làm vệ sinh cho trẻ, chỉ có 23% bà mẹ rửa tay với xà phòng.
Điều tra năm 2010 của WB cho thấy, dưới 35% người được phỏng vấn cho biết họ rửa tay vào những lúc cần thiết (trước khi tiếp xúc với thức ăn và sau khi tiểu tiện, đại tiện).
R ửa tay sạch bằng xà phòng giúp phòng chống các dịch bệnh đường tiêu hoá, |
Theo các chuyên gia về môi trường y tế, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm với tỷ lệ cao là do người dân thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng, chống các bệnh lây qua đường hô hấp và tiêu hóa; ý thức thực hiện hành vi vệ sinh còn yếu kém. Các chuyên gia môi trường y tế khuyến cáo, người dân cần rửa tay với xà phòng đúng cách để phòng, chống nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm.
Rửa tay bằng xà phòng là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay). Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm vào mọi người hoặc các bề mặt, phát sinh việc tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Sau đó, họ có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng.Mặc dù, chúng ta không thể giữ tay vô trùng, nhưng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp mỗi người hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi rút sang người khác và ngược lại.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ một động tác rửa tay sạch bằng xà phòng đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi. Để phòng chống các dịch bệnh đường tiêu hoá, các nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính nguy hiểm như: Tả, SARS, Cúm A (H5N1, H1N1), tay – chân – miệng… các chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra lời khuyên thiết thực là luôn giữ đôi bàn tay sạch sẽ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Rửa tay với xà phòng không chỉ bảo vệ sức khỏe cho cá nhân mà đó còn là hành động thiết thực phòng tránh dịch bệnh cho cả cộng đồng, vì một tương lai tươi sáng của thế hệ trẻ Việt Nam.
Chung tay “Vì một Việt Nam không dịch bệnh”
Các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” (15/10) đã được Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2008 theo lời kêu gọi của Liên hợp quốc. Năm 2012, hoạt động này càng nhân lên ý nghĩa khi Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” được phát động rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Tại buổi phát động phong trào diễn ra ngày 01/7/2012, tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Nam Chính, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung giải quyết vấn đề vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, trong đó việc vận động người dân thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch.
Hướng tới mục tiêu “Vì một Việt Nam không dịch bệnh”, các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2012 và Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã diễn ra rộng khắp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể nhân dân. Bộ Y tế đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông rộng khắp, phổ biến ý nghĩa của việc rửa tay với xà phòng trong phòng chống dịch bệnh, từ đó kêu gọi mỗi người hãy đưa việc rửa tay với xà phòng trở thành thói quen trong cộng đồng.
Hãy rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam không dịch bệnh. |
Tại Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới rửa tay với xà phòng và Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” được tổ chức ngày 13/10/2012 tại Hà Nội, thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức quốc tế và cơ quan thông tấn báo chí hãy cùng phối hợp với ngành Y tế tập trung đẩy mạnh hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức để tuyên truyền về lợi ích của việc rửa tay với xà phòng, duy trì và dần đưa hành động thường xuyên rửa tay bằng xà phòng thành một nếp sống văn minh của xã hội.
Bộ Y tế cũng cho biết, trong năm 2012, Dự án “Rửa tay với xà phòng góp phần vì một Việt Nam khỏe mạnh” được triển khai tại 24 xã thuộc 12 huyện của 12 tỉnh, thành phố: Điện Biên, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Mục tiêu của dự án là trên 80% người dân, học sinh trong vùng dự án được tuyên truyền về thực hiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và rửa tay bằng xà phòng; hỗ trợ cải tạo, xây mới 24 công trình vệ sinh công cộng như: bể nước, hệ thống rửa tay, nhà tiêu hợp vệ sinh…
Rửa tay với xà phòng góp phần vì một Việt Nam không dịch bệnh hưởng ứng Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” là việc làm cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Tất cả người dân Việt Nam đều có thể tham gia và trở thành một phần quan trọng của Phong trào này, qua đó thể hiện trách nhiệm của mình đối với bản thân và cộng đồng.
Ý kiến ()