Rộn ràng lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc
Cứ mỗi độ thu về, du khách thập phương lại hành hương về Chí Linh để đắm mình vào không khí lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Nườm nượp du khách về trẩy hội
Năm nay, không khí càng rộn ràng hơn khi Côn Sơn – Kiếp Bạc đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Ngày 30-9 (15-8 âm lịch), tại di tích Côn Sơn, ngay từ sáng sớm, hàng nghìn du khách và nhân dân địa phương đã tề tựu về sân Nhà tổ dự lễ xin và rước văn sang đền thờ Nguyễn Trãi. Lễ rước được tổ chức trang nghiêm theo nghi lễ nhà Phật và nghi lễ truyền thống, đậm chất tâm linh. Đi đầu là đội múa lân, tiếp đến là các mâm cỗ: hoa quả, bánh trái, long đình đặt bát hương. Tham gia đoàn hành lễ là các vị tăng ni, 300 người dân trong trang phục lễ hội cầm cờ. Tại sân đền Nguyễn Trãi diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc với các bài hát ca ngợi các danh nhân, anh hùng dân tộc, danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc, màn trống hội rộn rã do các diễn viên Nhà hát Chèo Hải Dương biểu diễn.
Buổi tối, tại sân đền thờ Nguyễn Trãi diễn ra “Đêm thơ Côn Sơn và Tết Trung thu”, quy tụ nhiều nhà thơ của Trung ương và của tỉnh, những người yêu thơ của các câu lạc bộ, các nghệ sĩ, các em học sinh tại phường Cộng Hòa và của cả du khách. Hàng chục bài thơ, tiết mục văn nghệ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn và Nguyễn Trãi được trình bày.
Tại Kiếp Bạc, lúc 19 giờ ngày 15-8 âm lịch, diễn ra Liên hoan diễn xướng hầu thánh tại sân đền chính với sự tham gia của 15 cơ cánh đồng trong và ngoài tỉnh. Sau lễ cúng Phật thánh, lễ khai quang, sái tịnh, xin phép tổ chức liên hoan. Ngay trong đêm khai mạc liên hoan, nhân dân đã được tham dự những tiết mục diễn xướng đậm màu sắc dân gian ca ngợi võ công của Đức Thánh Trần cùng các tướng sĩ nhà Trần. Cũng tại Kiếp Bạc, 22 giờ cùng ngày, các nhà sư, đội tế các làng Vạn Yên, Dược Sơn cùng các vị lãnh đạo của tỉnh đã tổ chức lễ khai ấn tại nội tự đền Kiếp Bạc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, những tờ ấn mang bốn ấn dấu của Đức Thánh Trần: “Trần Triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, “Quốc pháp Đại Vương”, “Vạn dược linh phù”, “Phi thiên thần kiếm linh phù” sẽ được ban cho nhân dân, du khách thập phương với mong muốn “sát quỷ, trừ tà, cầu an, cầu lộc”…
Có mặt tại đền Kiếp Bạc sáng 1-10 (tức 16-8 âm lịch), chúng tôi chứng kiến dòng người nườm nượp đổ về khu di tích. Trên đê sông Thương, cờ hội phấp phới. Dưới bến Vạn Kiếp, thuyền bè đậu san sát kín một dải sông. Mặc dù buổi tối mới diễn ra Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Lễ khai hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc, song tại sân đền Kiếp Bạc đã rất đông du khách thập phương thành tâm làm lễ. Để phục vụ nhu cầu hành lễ của nhân dân, Ban Tổ chức đã cho lắp đặt nhà bạt cùng hàng chục giá bày lễ. Theo quan sát của chúng tôi lễ hội năm nay các loại hàng mã giảm hẳn. Sau khi hành lễ, rất nhiều du khách đã phát tâm công đức xây dựng đền.
Tâm điểm của lễ hội sáng 16-8 âm lịch là hoạt động tế lễ dâng hương trên núi Nam Tào và núi Bắc Đẩu. Ngay từ sớm, lượng người đổ về hai đền làm lễ rất đông. Có những cụ già đã ở tuổi “cổ lai hy”, lưng còng rạp vẫn vịn tay cháu con leo lên đền bằng được. Tại các sân đền, đội tế nam, nữ của hai thôn Dược Sơn và Vạn Yên trong trang phục lễ hội thể hiện những nghi lễ tế truyền thống độc đáo. Bác Hoàng Thị Liễu, 67 tuổi, ở huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) cho biết: “Đoàn của chúng tôi về dự lễ hội có 16 người. Chúng tôi vừa làm lễ ở đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, giờ lên đền Bắc Đẩu. Đây là lần thứ ba tôi về dự lễ hội ở đây. Đi lễ ngoài cầu mong cho gia đình an lạc, đất nước thanh bình, tôi còn muốn được thăm thú các danh lam thắng cảnh. Được biết lễ hội năm nay có nhiều sự kiện đặc sắc như Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội hoa đăng, hội quân trên sông Lục Đầu, diễn xướng hầu thánh với quy mô lớn. Chúng tôi quyết định nán lại để tham dự các sự kiện này”.
Cùng chung cảm nhận, bác Ngọc Văn Luân, 56 tuổi, ở huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: “Đây là lần đầu tiên vợ chồng tôi đến với Côn Sơn – Kiếp Bạc. Lý do chúng tôi về năm nay vì được biết sẽ có nhiều sự kiện hấp dẫn. Lần đầu về đây tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của thiên nhiên, của các công trình kiến trúc và không khí lễ hội náo nức. Tôi rất vui vì không thấy cảnh cờ bạc, trộm cắp, chèo kéo khách… Chắc chắn năm sau vợ chồng tôi sẽ quay lại”.
Tại bờ đê sông Thương và bến Vạn Kiếp, công việc chuẩn bị khai mạc lễ hội đang được khẩn trương tiến hành. Hàng nghìn đèn hoa đăng sặc sỡ được bày dọc dải đê. Khu vực sân khấu ngoài bãi đê được trang hoàng lộng lẫy với cờ hội, phù điêu sóng nước, cọc Bạch Đằng cỡ lớn. Làm nền phía sau là hàng chục thuyền chiến lớn trang hoàng cờ xí rực rỡ. Trên sông Thương, những tay chèo của các đội đua thuyền chải đang mải miết tập luyện cho Giải bơi thuyền chải toàn quốc lần thứ nhất diễn ra trên sông Lục Đầu vào ngày 17-8 âm lịch. Có mặt tại chân dốc dẫn lên đền Bắc Đẩu, chúng tôi thấy hàng chục chiến sĩ công an đang hướng dẫn, phân luồng cho các xe rời di tích theo lối dẫn ra Phố Vạn. Theo quan sát, việc phân luồng giao thông của lễ hội năm nay được tổ chức tốt, đến chiều qua chưa có hiện tượng ùn tắc xe cộ. Anh Hà Thanh Tùng, cán bộ Công an thị xã Chí Linh cho biết: “Từ hôm qua, đơn vị tôi đã tăng cường thêm lực lượng ở tất cả các khâu để bảo đảm an ninh trật tự. Khu vực này vốn là điểm hay xảy ra ùn tắc song từ sáng đến giờ giao thông được bảo đảm thông suốt”.
Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, từ ngày 23 đến 29- 9 (tức mồng 8 đến 14-8 âm lịch), đã có khoảng 6 vạn lượt du khách đến với Côn Sơn – Kiếp Bạc. Hai ngày 30-9 và 1-10 (15 và 16-8 âm lịch), khu di tích đã đón 2,5 vạn lượt du khách. Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc cho biết: Điểm nhấn của lễ hội năm nay là tiếp tục duy trì các nghi lễ truyền thống và phần hội đã được phục dựng theo Đề án nâng cấp lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc giai đoạn 2006 – 2011, chúng ta đã thực hiện rất tốt. Các nghi lễ được cử hành bài bản, trang nghiêm, nâng cao về chất lượng, giá trị. Nổi bật là lễ rước văn, lễ tưởng niệm Nguyễn Trãi, đêm thơ Côn Sơn; lễ khai ấn; lễ cầu an và hội thả hoa đăng trên sông Lục Đầu; Lễ đón Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt trên bến Vạn Kiếp; liên hoan diễn xướng hầu thánh. Bằng chứng là lượng người về tham dự các nghi lễ rất đông. Trong các ngày hội tiếp, phần hứa hẹn nhiều bất ngờ, thú vị là lễ rước bộ, lễ dâng hương tưởng niệm 712 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo với các nghi lễ đậm màu sắc dân gian: làm bánh tiến thánh, cỗ “ông” lợn do nhân dân hai làng Dược Sơn, Vạn Yên tổ chức; hội quân trên sông Lục Đầu với sự tham gia biểu diễn của 40 thuyền ngư dân Hải Phòng và Kênh Giang (Chí Linh) cùng chương trình biểu diễn của 200 võ sinh môn phái Nhất Nam, đánh Thó của 120 tay gậy đến từ thị trấn Gia Lộc; Giải bơi chải toàn quốc lần thứ nhất diễn ra trên sông Lục Đầu vào ngày 17-8 âm lịch; Lễ giỗ Đức Thánh Trần trên núi Mâm Xôi ngày 20-8 âm lịch. Lễ hội càng thêm sôi động với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, múa rối nước, bắt vịt, nấu cơm thi…
Tiếng trống khai hội đã điểm. Hơn 700 năm, nghe sóng sông Lục Đầu reo vẫn thấy như tiếng của vạn quân xưa vọng lại. Đắm mình trong không gian linh thiêng chợt nhận ra cuộc sống dù có bận bịu, vẫn có một cõi riêng lễ hội để ta trở về với cội nguồn, với thiên nhiên kỳ thú.
Ý kiến ()