Rộn ràng chờ đón tết Trung thu
LSO-Ngày nay, rằm tháng tám âm lịch hằng năm đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông trăng” hay “Tết đoàn viên”.
LSO-Ngày nay, rằm tháng tám âm lịch hằng năm đã trở thành ngày tết của trẻ em, còn được gọi là “Tết trông trăng” hay “Tết đoàn viên”. Trẻ em rất mong đợi đón tết này vì được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, đèn xếp, đèn con giống, mặt nạ, ông tiến sĩ giấy, súng phun nước…rồi được ăn bánh nướng, bánh dẻo và hoa quả như chuối, bưởi, hồng, na… Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em vừa múa hát vừa phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa rồng, múa sư tử để cho các em vui chơi thỏa thích.
Các bậc phụ huynh chọn mua đồ chơi trung thu cho con trẻ – Ảnh: THANH SƠN |
Ở Việt Nam, một năm có 4 cái tết chính, đó là tết đầu năm (tết Nguyên đán), tết vào hè (tết Đoan ngọ), tết giữa thu (tết Trung thu) và tết đầu đông (tết Cơm mới 10-10). Tết Trung Thu cũng là ngày tết truyền thống của một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Người Việt thời cổ đại ăn tết Trung Thu với tục: Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả nhuộm các màu sắc sặc sỡ: xanh, đỏ, tím, vàng. Trong đó thì lễ vật hàng đầu là bánh mặt trăng, ngày nay gọi là bánh trung thu. Con gái thi tài khéo tay, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm, con cá. Mâm cỗ Trung Thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, có gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn con béo múp míp hay hình cá chép là những hình phổ biến. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và xiên vào dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm. Đến tết Trung Thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối và cốm, quả thị, hồng đỏ, hồng ngâm màu xanh, na dai… và bưởi là thứ quả không thể thiếu được. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của tết Trung Thu. Phong tục “trông trăng” cũng liên quan đến sự tích chú Cuội trên cung trăng. Do một hôm cây đa quý của Cuội bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và bị bay lên cung trăng với cả cây đa của mình. Ngày nay nhìn lên mặt trăng ta thấy một vệt đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó chính là chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Những năm qua, công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng ở Lạng Sơn không chỉ được thực hiện vào dịp Trung Thu mà thường xuyên được chú ý như công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống được các cấp bộ Đoàn quan tâm chỉ đạo. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 471 liên đội, 78.964 đội viên/109.704 thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, liên đội mạnh chiếm 85%, danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” chiếm 92%; số đội viên được giới thiệu cho Đoàn hằng năm tăng và ngày càng chất lượng. Hội đồng Đội còn thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động với các nội dung phong phú, gắn với Chương trình “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Lạng Sơn”, “Thiếu nhi Việt Nam thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy”. Một số hoạt động được xã hội ghi nhận, đánh giá cao như: xây dựng được 27 nhà bán trú dân nuôi, 3 nhà nhân ái tặng thiếu nhi vùng khó khăn; tặng 10.000 bộ quần áo và chăn ấm mùa đông; trên 20.000 bộ sách vở, cặp sách; trên 800 sổ tiết kiệm cho thiếu nhi vùng nghèo; trên 1.000 suất quà tặng thiếu nhi vào các dịp lễ, tết. Xây dựng quỹ “Thắp sáng ước mơ” với số tiền gần 100.000.000 đồng; trên 200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc.
Ngoài ra các phong trào thi đua của Đội được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, bám sát các chương trình “Tự hào truyền thống – Tiếp bước cha anh”, “Luyện rèn tri thức – Vững bước tương lai”, “Vui bước đến trường – Ươm ước mơ xanh”. Gắn với các phong trào “Khăn quàng thắm mãi vai em”, “Luyện nét chữ, luyện nét người”, “Trường xanh, sạch, đẹp”, “Nói lời hay làm việc tốt”… Rồi các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Vòng tay bè bạn”… tạo không khí thi đua sôi nổi thu hút đông đảo các em vào phong trào thi đua. Qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến xứng đáng danh hiệu con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.
Vào dịp Trung thu năm 2013 này, lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành của tỉnh chia làm 5 đoàn đi tham dự tết Trung thu và tặng quà cho các trường tiểu học trong tỉnh. Ngoài việc thăm, tặng quà các đoàn sẽ đón trăng, vui chơi cùng các cháu thiếu nhi.
MAI TÙNG
Ý kiến ()