Rộn ràng các hoạt động trong lễ hội 'Mùa hoa ban' ở Sơn La
Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sơn La cho biết thành phố Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, luôn đoàn kết, gắn bó, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình; đồng thời chọn lọc, tiếp thu và kết hợp hài hòa những tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú, sống động thêm bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.
Lễ hội “Mùa hoa Ban” ở thành phố Sơn La có nhiều hoạt động như thi người đẹp thành phố hoa Ban; thi múa xòe; thi thêu khăn Piêu; thi ẩm thực dân tộc; thi bắt cá suối; thi các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian.
Lễ hội “Mùa hoa Ban” được tổ chức là dịp quảng bá, giới thiệu về vẻ đẹp thiên nhiên, con người thành phố Sơn La với hy vọng để “Thành phố hoa ban” trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Lễ hội được tổ chức cũng tạo không khí vui tươi phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hằng năm, cứ vào dịp tháng Hai âm lịch, khi những cánh hoa ban nở trắng trên khắp các cánh rừng Tây Bắc, lễ hội “Mùa hoa Ban” lại diễn ra ở thành phố Sơn La. Tương truyền, hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu thủy chung của nàng Ban với chàng Khum, dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc.
Hoa ban mang sắc Xuân của đất trời đã trở thành biểu tượng văn hóa-tâm hồn của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng.
Cảnh đẹp của núi rừng cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, những chàng trai, cô gái trong trang phục áo cóm, khăn Piêu đi lễ hội cùng những vòng xòe hoa bên chum rượu cần đã tạo nên nét đặc sắc của vùng đất Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng.
Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội “Mùa hoa Ban” và thi người đẹp thành phố hoa ban.
Lễ hội “Mùa hoa ban” năm 2018 sẽ kết thúc vào tối 10/3./.
Ý kiến ()