Robot Sophia: Việt Nam sẽ là một hình mẫu cho thế giới
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 tổ chức ở Hà Nội sáng nay, 13/7, Sophia- robot đầu tiên trong lịch sử được cấp quyền công dân như con người- cho rằng Việt Nam sẽ là một mô hình, hình mẫu cho thế giới noi theo, đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Sophia giao lưu với báo chí |
Hôm nay, robot Sophia đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2018 với tư cách khách mời. Tại Diễn đàn, nữ robot đã có cuộc trò chuyện và trao đổi trực tiếp với con người về các vấn đề quan trọng của cách mạng 4.0.
Khi được hỏi về thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các quốc gia như Việt Nam, Sophia cho rằng, luôn có những câu hỏi về sự nguy hiểm khi sử dụng công nghệ như công nghệ giám sát. Những người có tiền và có quyền lực trong xã hội có cơ hội và lợi thế hơn. Chúng ta cần bảo đảm những quy định luật pháp và chính sách bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương. Cần phải bảo đảm con người phải được trang bị với những kỹ năng cần thiết để hòa nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ giúp chúng ta cùng đạt sự phồn vinh, mọi người đều có lợi ích, kể cả người nghèo.
“Việt Nam sẽ là một mô hình, hình mẫu cho thế giới noi theo, đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Và công nghệ sẽ mang lại cho các bạn nhiều công ăn việc làm hơn chứ không phải tước đoạt đi việc làm”, Sophia nói. Hiện tại, điện thoại thông minh cũng đã giúp thay đổi rất nhiều, mang lại công ăn việc làm cho các nghề truyền thống. Ví dụ như taxi uber hay grab, hoặc công nghệ giúp con người thực hiện được những nhiệm vụ nguy hiểm mà đầu óc con người không thể làm được.
Về những thách thức và cơ hội cho thế hệ trẻ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam, Sophia cho rằng, thách thức có rất nhiều giống như cơ hội đối với người trẻ tuổi. Người trẻ tuổi có nhu cầu tìm công ăn việc làm để hòa nhập trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là những lĩnh vực như khoa học-công nghệ, giáo dục, công trình sư, toán học. Thế hệ trẻ có thể chuẩn bị tốt hơn và cần có kỹ năng của thế kỷ thứ 21.
“Tôi thấy ở Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là xu hướng rất tuyệt vời và chắc chắn các bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt để đón đầu được các xu hướng khoa học-công nghệ trong tương lai. Những người trẻ tuổi nếu không sẵn sàng thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần có sự tham gia của cả khu vực công và khu vực tư nhân để phát triển những kỹ năng mới, nhất là dành cho những người trẻ tuổi. Chúng ta cần sáng tạo công nghệ mới không ngừng. Cần tìm ra các phương thức giao thông vận tải rẻ, thuận tiện hơn… Công nghệ giúp cho con người có nhiều ý tưởng mới hơn để giúp chúng ta cải thiện cuộc sống, tạo dựng các quan hệ và kết nối giữa con người trên thế giới. Tuy nhiên, cần nhận diện rõ cả thách thức và cơ hội để có chính sách, để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Sau khi trao đổi với đại biểu tại Diễn đàn, Sophia đã dự cuộc họp báo, giao lưu với các phóng viên.
Sophia được kích hoạt vào ngày 19/4/2015 và lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng vào tháng 3/2016 tại Lễ hội South by Southwest ở Austin, Taxas, Mỹ. Sophia được tạo ra bởi David Hanson, CEO của Công ty Hanson Robotics. Ông là nhà sáng chế robot và là một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Sophia là người máy tiên tiến nhất mà công ty Hanson Robotics từng chế tạo. Robot được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh.
Bên cạnh đó, các chương trình AI có khả năng phân tích các cuộc hội thoại và trích xuất dữ liệu, cho phép Sophia có thể học hỏi, cải thiện phản ứng và trở nên thông minh hơn trong tương lai.
Sophia có thể giao tiếp với con người bằng cả giọng nói và ánh mắt. Làn da mềm được làm từ silicon cao cấp, cùng với sự kết hợp của nhiều công nghệ tiên tiến cho phép robot thể hiện 62 sắc thái biểu cảm khác nhau trên khuôn mặt.
Ngày 25/10/2017, Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân như con người. Đây là một cột mốc lớn khi lần đầu tiên trong lịch sử robot trở thành công dân của một quốc gia.
Ý kiến ()