Rô-ma nỗ lực đối phó khủng hoảng nợ công
Rạng sáng 13-11, Thủ tướng X.Béc-lu-xcô-ni đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống G.Na-pô-li-ta-nô, mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới ở I-ta-li-a. Sự kiện này mở ra hy vọng cho đất nước I-ta-li-a trong nỗ lực đối phó cuộc khủng hoảng nợ công.Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni và nhiều khả năng sẽ chỉ định cựu Ủy viên châu Âu M.Môn-ti thay thế ông Béc-lu-xcô-ni làm Thủ tướng tạm thời của I-ta-li-a cho đến cuộc tổng tuyển cử đầu năm 2012. Như vậy, ông Béc-lu-xcô-ni đã giữ đúng lời hứa từ chức, được đưa ra ngày 8-11, nếu QH lưỡng viện I-ta-li-a thông qua Dự luật ổn định tài chính, theo đề xuất của chính phủ.Trước đó, với tỷ lệ 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và hai phiếu trắng, Hạ viện I-ta-li-a (gồm 630 ghế) đã thông qua Dự luật ổn định tài chính. Thượng viện I-ta-li-a cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 156 phiếu thuận và 12 phiếu chống. Kế hoạch cải cách của cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni cam kết với Liên hiệp châu Âu (EU), nhằm cắt giảm một phần khoản...
Tổng thống Na-pô-li-ta-nô đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni và nhiều khả năng sẽ chỉ định cựu Ủy viên châu Âu M.Môn-ti thay thế ông Béc-lu-xcô-ni làm Thủ tướng tạm thời của I-ta-li-a cho đến cuộc tổng tuyển cử đầu năm 2012. Như vậy, ông Béc-lu-xcô-ni đã giữ đúng lời hứa từ chức, được đưa ra ngày 8-11, nếu QH lưỡng viện I-ta-li-a thông qua Dự luật ổn định tài chính, theo đề xuất của chính phủ.
Trước đó, với tỷ lệ 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và hai phiếu trắng, Hạ viện I-ta-li-a (gồm 630 ghế) đã thông qua Dự luật ổn định tài chính. Thượng viện I-ta-li-a cũng đã thông qua dự luật này với tỷ lệ 156 phiếu thuận và 12 phiếu chống. Kế hoạch cải cách của cựu Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni cam kết với Liên hiệp châu Âu (EU), nhằm cắt giảm một phần khoản nợ công khổng lồ đã lên tới 1.900 tỷ ơ-rô (tương đương 116% GDP) của I-ta-li-a (chỉ đứng sau Hy Lạp với 126,8% GDP), đồng thời ngăn chặn nguy cơ Rô-ma đi theo vết xe đổ của A-ten. Theo kế hoạch này, I-ta-li-a sẽ bán các tài sản công trị giá 21 tỷ ơ-rô, nâng độ tuổi về hưu từ 65 tuổi hiện nay lên 67 tuổi vào năm 2026, tăng thuế VAT và giá nhiên liệu, ngừng tăng lương ở khu vực Nhà nước đến năm 2014, cải cách thị trường lao động, miễn giảm thuế cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và những công ty sử dụng lao động trẻ.
Ngay sau khi Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni từ chức, các chính đảng đã xúc tiến đàm phán nhằm thành lập chính phủ tạm quyền với hy vọng chính quyền mới sẽ chèo lái “con thuyền” I-ta-li-a thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng nợ công. Trong bối cảnh I-ta-li-a đang đối mặt sức ép lớn từ các thị trường tài chính, do lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, được coi là thước đo “sức khỏe” của nền kinh tế, tăng lên mức cao kỷ lục 7%, hơn cả mức mà Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ai-len phải cầu viện cứu trợ của EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bị cho là mức nguy hiểm khiến các nhà đầu tư không dám rủi ro mua trái phiếu chính phủ. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), tăng trưởng kinh tế của I-ta-li-a chỉ đạt 0,1% năm 2012, thấp hơn nhiều so mức dự báo 0,7% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao lên mức 7,9% trong tháng 8 và 8,3% tháng 9-2011. Tỷ lệ người nghèo từ 13,1% năm 2008 tăng lên 13,8% năm 2010. EC cảnh báo Rô-ma nhiều khả năng không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 do kinh tế gần như ngừng trệ, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt, có thể hủy hoại nền kinh tế nước này trong vài tháng tới. Hơn nữa, I-ta-li-a cũng không thể giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước xuống 1,6% GDP vào năm tới, mà thậm chí còn có thể tăng lên 2,3% GDP. I-ta-li-a đã “bấm bụng” đề nghị EU và IMF giám sát các chính sách kinh tế của nước này, đồng nghĩa với việc Rô-ma phải chịu sự kiểm soát của EU và IMF. Như vậy, I-ta-li-a sẽ không được tự chủ trong các chính sách kinh tế của mình, kể cả trong trường hợp các chính sách đó vấp phải làn sóng phản đối của người dân.
Nguy cơ vỡ nợ của I-ta-li-a đã khiến Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đau đầu. Bởi, I-ta-li-a là nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone và thứ tám thế giới, với quy mô lớn gấp hai lần giá trị của ba nền kinh tế là Ai-len, Bồ Đào Nha và Hy Lạp cộng lại. Nếu I-ta-li-a vỡ nợ, hậu quả sẽ rất khó lường, thậm chí ngoài tiềm lực cứu trợ của châu Âu, kể cả khi EU “vét cạn” Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 1.000 tỷ ơ-rô như cam kết của Hội nghị cấp cao EU cuối tháng 10 vừa qua. Khi đó, hiệu ứng vỡ nợ dây chuyền sẽ lan rộng EU, trong đó Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, nhiều khả năng là mắt xích tiếp theo của “trò chơi đô-mi-nô”. Trong trường hợp này, khả năng vỡ nợ của toàn Eurozone và đồng ơ-rô là khó tránh khỏi. Do đó, Eurozone đang nỗ lực thiết lập một “bờ đê” bao quanh I-ta-li-a, nhằm ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ lan rộng.
Tuy nhiên, không thể không đề cập nỗ lực của Chính phủ của Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni khi thông qua hai kế hoạch “thắt lưng, buộc bụng” vào tháng 7 và 9, nhằm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hơn 100 tỷ ơ-rô. Nhưng các kế hoạch này đã không thể cứu được vị Thủ tướng kiêm tỷ phú truyền thông 75 tuổi Béc-lu-xcô-ni, trong bối cảnh uy tín của ông giảm xuống mức thấp kỷ lục 22%. Làn sóng biểu tình và bãi công dâng cao ở I-ta-li-a trong nhiều tháng qua, thể hiện sự thất vọng của người dân đất nước hình chiếc ủng đối với hàng loạt vụ bê bối tình ái và các chính sách không hiệu quả của ông Béc-lu-xcô-ni. Ngay sau khi Thủ tướng Béc-lu-xcô-ni đệ đơn từ chức, hàng nghìn người đã tập trung trước Phủ Thủ tướng ở Thủ đô Rô-ma để hoan nghênh quyết định này, đồng thời hy vọng Thủ tướng và Chính phủ mới sẽ có các biện pháp đưa I-ta-li-a thoát khỏi khủng hoảng.
Châu Âu đang trông chờ sự thay đổi tích cực từ Chính phủ mới ở I-ta-li-a. Theo giới phân tích, ngoài việc tiến hành các biện pháp cải cách mạnh mẽ, Thủ tướng và Chính phủ mới của I-ta-li-a cần lấy lại lòng tin của nhân dân và các nhà đầu tư, mới mong thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và khôi phục đà tăng trưởng kinh tế đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()