Rét hại, người nhập viện tăng
LSO-Từ trung tuần tháng 12/2014 đến 12/1/2015, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn đã tiếp nhận khám 6.819 lượt, điều trị 1.924 lượt người cao tuổi và trẻ em dưới 15 tuổi. Tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014.
Chăm sóc trẻ bị bệnh viêm phổi tại Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa |
VIÊM PHỔI VÀ TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM
Tại Khoa Nhi của bệnh viện, tình trạng quá tải xuất hiện ở từng phòng với từng loại bệnh khác nhau. Ôm cháu nhỏ trong tay, chị Nguyễn Thị Tùy, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng nói rằng, thấy con cứ húng hắng ho và sốt, khám ở trạm y tế, các thầy thuốc nghi viêm phổi nên vợ chồng chị quyết định đưa con lên BVĐK để điều trị. Sau gần 1 tuần “vật lộn” với bệnh tật, đến nay con chị đã đỡ nhiều nhưng vẫn chưa thể xuất viện. Chị nói, tuy mới hơn 7 tháng tuổi song cháu rất “nghịch” cứ hay giãy đạp lung tung trong khi ngủ. Chị cũng thú nhận rằng, nhiều khi do ngủ say không chú ý đến con, khi con khóc thì đã thấy cả người ra khỏi chăn rồi. Chị nói: “Sau vài đêm trong đợt rét, chị đã thấy con mình khác, có lẽ do bị lạnh nên ảnh hưởng đến hô hấp…” May mắn hơn chị Tùy, chị Vũ Thị Tuyết, đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn khi thấy con mình có biểu hiện viêm phổi, chị đã đưa con mình đến viện sớm, vì vậy thời gian điều trị cũng nhanh hơn, mới có 3 ngày, con chị đã có chuyển biến tốt.
Tại một phòng lưu bệnh nhân gần phòng trực của Khoa, với 4 giường bệnh mà có đến 8 bệnh nhân nhí, mỗi giường 2 trẻ nằm ghép, hai bà mẹ người ngồi đầu giường, người ngồi cuối giường. Y tá trưởng Nguyễn Thị Mơ cho biết: đây là 1 trong 2 phòng lưu bệnh nhân tiêu chảy, mặc dù có quá tải cũng đành chịu, vì nếu giãn bớt bệnh nhân sang chung với các phòng khác, nguy cơ lây nhiễm “chéo” rất dễ xảy ra, nhất là đối với vi rút gây bệnh tiêu chảy. Y tá trưởng cũng phản ánh rằng, với thời tiết rét đậm rét hại như thế này, bệnh tiêu chảy ở trẻ em khá phổ biến. Nguyên nhân chính là các bậc cha mẹ chưa thật sự quan tâm đến đồ ăn thức uống của các cháu; tuy bột hoặc cháo mới nấu hoặc được hâm nóng, song thời gian cho trẻ ăn kéo dài, ít được hâm lại; mặt khác, trẻ thường uống các loại sữa hộp lạnh mà không được làm ấm sẽ gây nên tình trạng rối loạn tiêu hóa, thậm chí tiêu chảy cấp rất nguy hiểm.
BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Điều trị bệnh cho người cao tuổi tại Khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm tỉnh |
Ông Hoàng Văn Thức, 80 tuổi ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn có tiền sử suy tim độ 3, tăng huyết áp, viêm phế quản mãn và đang điều trị tại bệnh viện. Thấy cháu ở Hà Nội về chơi dẫn thêm mấy anh em nữa, phấn khởi quá, ông về nhà cho các cháu mừng. Chỉ vài trăm mét từ bệnh viện về nhà, ông đã bị cơn tăng huyết áp đột ngột, lên tới trên 200mm Hg. Nhờ được cấp cứu tích cực, sức khỏe ông đã tạm ổn định, nhưng cần phải theo dõi thêm. Bác sĩ Lê Thị Lan Anh, điều trị tại Khoa Nội A cho biết: đây là trường hợp điển hình về sự tác động của rét hại đối với bệnh tim mạch của người cao tuổi. Trong đợt rét vừa qua, rất nhiều trường hợp người cao tuổi bị tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, xương khớp… được đưa đến bệnh viện. Qua theo dõi cho thấy, những bệnh mang tính “đặc trưng” này ở người cao tuổi thường xuất hiện nhiều ở đầu vụ rét và giảm dần ở cuối vụ. Thậm chí có nhiều bệnh nhân nhập viện trong ngày đầu tiên của đợt gió mùa đông bắc và giảm dần khi không khí lạnh đã ổn định. Điều đó cho thấy, người cao tuổi đặc biệt “nhạy cảm” với sự thay đổi thời tiết từ ấm sang lạnh đột ngột. Vì vậy, song song với chế độ luyện tập, ăn uống, người cao tuổi cần tránh ra ngoài trời về đêm mà cơ thể không được giữ ấm.
TRẦN KIM
Ý kiến ()