Rét cuối vụ và nỗi lo mất mùa
LSO-Nhớ lại vụ mùa năm 2011, chỉ một đợt gió lạnh đầu mùa vào đúng thời kỳ lúa mùa chính vụ đang trổ bông đã khiến cho toàn tỉnh thiệt hại hơn 37.000 tấn lương thực. Năm nay gió mùa đông bắc lại về sớm mang đến bao nỗi lo cho nhà nông.
LSO-Nhớ lại vụ mùa năm 2011, chỉ một đợt gió lạnh đầu mùa vào đúng thời kỳ lúa mùa chính vụ đang trổ bông đã khiến cho toàn tỉnh thiệt hại hơn 37.000 tấn lương thực. Năm nay gió mùa đông bắc lại về sớm mang đến bao nỗi lo cho nhà nông.
Cán bộ bảo vệ thực vật huyện Lộc Bình kiểm tra lúa mùa tại xã Tú Đoạn |
Đợt gió mùa đông bắc tràn về cuối tháng 9 vừa rồi thì chẳng đáng lo, bởi lúc này lúa mùa sớm đã bắt đầu được gặt còn mùa chính vụ thì chưa trổ bông. Thế nhưng đây là tín hiệu của một năm rét sớm, theo nhận định của cơ quan khuyến nông thì chỉ trong vòng hơn 10 ngày nữa mùa chính vụ sẽ phơi màu, trổ bông, nếu rét vào đúng thời điểm mẫn cảm này thì nguy cơ mất mùa như năm 2011 là hiển hiện. Bác Lộc Văn Hạp, thôn Khuổi Thút, xã Lục Thôn, huyện Lộc Bình bần thần: lúa mùa năm nay đẹp chú ạ, sâu bệnh ít, thời tiết thuận, thế nhưng giờ thì lo thật rồi, chỉ sợ rằng mươi ngày nữa gió lạnh lại về. Năm 2011, 8 sào lúa của gia đình bác Hạp gần như mất trắng, năm nay vẫn giống bao thai, vẫn thời điểm gieo trồng ấy, rất có thể lịch sử sẽ lặp lại.
Ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Lộc Bình cho biết: tổng diện tích lúa mùa của huyện Lộc Bình vào khoảng trên 4.600ha. Trong đó cơ bản là lúa mùa chính vụ, lúa mùa sớm chỉ có vài ha tập trung vào các mô hình của cơ quan khuyến nông. Nhận định chung là lúa mùa năm nay phát triển tốt, điều kiện thời tiết tương đối thuận và sâu bệnh ít. Thế nhưng với khung thời vụ như hiện nay, thì lúa mùa chính vụ trên địa bàn huyện Lộc Bình nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung luôn phải đối mặt với nguy cơ hạn và rét cuối vụ. Thực tế trong năm nay lượng mưa nhiều hơn hàng năm nên hạn cuối vụ không phải là vấn đề lớn, nhưng rét cuối vụ lại là nguy cơ hiển hiện bởi ngay cuối tháng 9 vừa qua đã có đợt gió mùa đông bắc tràn về.
Trong những năm qua, cơ quan chuyên môn đã liên tục khuyến cáo và hướng dẫn cho nông dân về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, chỉ cần lui thời gian thu hoạch lúa mùa khoảng hơn chục ngày là đã có thể chắc ăn. Biện pháp ấy đi kèm với chuyển dịch cơ cấu giống, với những giống lúa lai, ngắn ngày. Nhưng hầu hết trong vụ mùa, nông dân Xứ Lạng vẫn sử dụng giống bao thai thuần, thời gian sinh trưởng lâu hơn, khung thời vụ dài hơn và cũng vì thế rủi ro là rất lớn. Cách đây 5 năm, Trung tâm khuyến nông đã tổ chức hội thảo về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, gắn với chuyển dịch cơ cấu giống. Thực tế cho thấy địa phương nào quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, thì cơ cấu mùa vụ ở nơi đó có sự chuyển dịch rõ nét.
Điển hình như Bắc Sơn, với sự chuyển dịch nhanh chóng của cơ cấu cây trồng đã kéo theo chuyển đổi rõ nét của cơ cấu mùa vụ, hiện nay trên địa bàn huyện Bắc Sơn diện tích lúa mùa sớm ổn định ở mức 2.600ha, chiếm trên 80% tổng diện tích lúa mùa của toàn huyện. Với cơ cấu mùa vụ như vậy, vụ mùa ở Bắc Sơn luôn được thu hoạch trước các địa phương khác khoảng hơn 1 tháng, tránh được hạn và rét cuối vụ. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ ở Hữu Lũng cũng là một trong những điển hình. Nếu như mùa sớm ở Bắc Sơn bắt nguồn từ việc chuyển cơ cấu cây trồng vụ xuân sang cây thuốc lá, thì trên đất Hữu Lũng vẫn là 2 vụ lúa, nhưng tập trung vào sử dụng giống mới và phương thức canh tác mới. Từ việc đẩy vụ xuân sớm hơn vài ngày, cộng với việc áp dụng biện pháp gieo thẳng bằng giàn kéo tay sử dụng các loại giống ngắn ngày đã tạo điều kiện rút ngắn được khung thời vụ giải phóng đất cho sản xuất vụ mùa. Trong vụ mùa năm 2011, hầu hết các diện tích lúa mùa bị thất thu, toàn tỉnh thiệt hại 37.000 tấn lương thực do hạn và rét cuối vụ, thì ở Hữu Lũng sản lượng lương thực vụ mùa lại vượt 15% so với kế hoạch, đưa tổng sản lượng lương thực của toàn huyện năm 2011 lên xấp xỉ 50.000 tấn, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng của cả tỉnh.
Thời tiết ngày càng biến đổi phức tạp, chính vì vậy việc bố trí, sắp xếp lại cơ cấu mùa vụ là việc làm cần thiết để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. Trong thời điểm này, ở những nơi chuyển dịch tốt, lúa đã bắt đầu được thu, còn trên những thửa ruộng vẫn thời vụ cũ, vẫn giống dài ngày nhà nông lại đau đáu với nỗi lo lúa lép do rét cuối vụ.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()