Rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong hệ thống chính trị nói chung và trong Quân đội nói riêng là sự tổng hòa các yếu tố về phẩm chất và năng lực, trong đó nổi lên là vấn đề đạo đức. Việc rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là một nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của công tác cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kết hợp một cách tài tình những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác – Lênin, các giá trị được xuất phát từ cơ sở thế giới quan và phương pháp luận đúng đắn cho việc xây dựng một nền đạo đức mới phù hợp truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất cao giữa động cơ và hiệu quả, giữa lời nói và việc làm, đạo đức với chính trị, với pháp luật, đạo đức với tài năng.
Hiện nay toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05 – CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị. Đây là cơ sở để xây dựng nhân cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Để rèn luyện nhân cách người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy theo tư tưởng Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cần tập trung làm tốt một số vấn đề sau:
Một là: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trước hết biểu hiện ở lòng trung thành “trung với nước, hiếu với dân”.
Người coi trung với nước, hiếu với dân là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của đạo đức cách mạng và là một yếu tố cơ bản của nhân cách người cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trung với nước là dám xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, dẫu biết rằng đi làm cách mạng thì có thể bị tù đày, lên máy chém, ra pháp trường.
Ngày nay, trong hòa bình xây dựng, những điều kiện ấy không còn, nhưng những thử thách không kém phần nghiệt ngã vẫn còn đó đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Một số người không hy sinh bởi mũi tên, hòn đạn trong cuộc chiến đấu khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc, nhưng trong hòa bình xây dựng lại bị “chết” bởi những “viên đạn bọc đường”, sa vào tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu – những căn bệnh mà Hồ Chí Minh coi là “giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trung với nước là phải đặt quyền lợi của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, trước hết. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là người giữ trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức tính hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích đặt ra cho mọi người, trong đó có lợi ích cá nhân trong mối quan hệ với lợi ích của tập thể và lợi ích của Tổ quốc. Trong lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, có lợi ích của cá nhân mình. Hồ Chí Minh còn nói rằng, vào Đảng là tự nguyện; nếu vào Đảng mà sợ hy sinh thì đừng vào Đảng hoặc khoan hẵng vào, để khi nào rèn được đức tính hy sinh rồi hãy vào. Mọi người, kể cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý được khuyến khích làm giàu, nhưng đó là làm giàu chính đáng, chứ không phải làm giàu với bất cứ giá nào, làm giàu bất chấp đạo lý, pháp luật.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải gần dân, hiểu dân, vì dân, thực hiện đúng quan điểm của Hồ Chí Minh: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của Đảng, của cả hệ thống chính trị; trí tuệ và xung lực của người cán bộ lãnh đạo, quản lý là lấy từ nơi dân, cho nên dân luôn luôn là gốc của cách mạng, đúng như Hồ Chí Minh đã dạy. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải luôn thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh: việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh; phải làm cho dân giác ngộ; chớ có “vác mặt quan cách mạng” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”; đừng có tưởng cứ “dán lên trán hai chữ cộng sản” là dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục mà phải thực sự yêu dân, kính dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp cán bộ, chiến sĩ trên đường đi Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh tư liệu: TTXVN). |
Hồ Chí Minh cho rằng, hiếu với dân còn bao hàm cả hiếu với cha mẹ, có tình yêu thương trong gia đình, nghĩa là có một “đời tư trong sáng”. Đứng trước dân, đang ở vị trí lãnh đạo, quản lý mà người cán bộ, đảng viên có thói hư, tật xấu thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng không lãnh đạo, quản lý được ai một cách thực chất; nói không ai nghe, làm không ai theo, là đạo đức giả, gây phản cảm. Đúng như Hồ Chí Minh quan niệm: Ở phương Đông và ở Việt Nam, một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Hiếu với dân không ở đâu xa, mà trước hết chính ngay ở trong gia đình, họ tộc, xóm giềng của bản thân người cán bộ lãnh đạo, quản lý đó.
Hai là, nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn biểu hiện ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư – điều mà Hồ Chí Minh rất coi trọng trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Cần,theo quan điểm của Hồ Chí Minh có hai nội dung cơ bản: Ngoài việc đòi hỏi người cán bộ phải cần cù, siêng năng, chịu khó, biết vượt qua khó khăn, gian khổ để làm việc, còn là yêu cầu tăng năng suất lao động (lâu nay, không ít người chỉ nhấn mạnh tới nội dung thứ nhất). Đức tính “cần” của người cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay là phải chú ý tới hiệu quả, chất lượng công tác, không có gì là trừu tượng, mà phải đo được bằng kết quả cụ thể của từng người, từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị.
Kiệm, theo quan điểm của Hồ Chí Minh, đó là tiết kiệm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cần phải đi đôi với kiệm; cần mà không kiệm thì tiền như “gió vào nhà trống”. Hiện nay, lãng phí biểu hiện ở nhiều mặt: lãng phí tiền của trong đầu tư; lãng phí trong chi tiêu (cả ở phạm vi cá nhân, tập thể và ngân sách Nhà nước); lãng phí thì giờ, v.v. Điều đáng chú ý nhất, đáng nhấn mạnh nhất trong quan điểm này của Hồ Chí Minh là ở chỗ, kiệm không có nghĩa là bủn xỉn, mà là việc gì đáng chi thì phải chi, việc gì chưa đáng chi thì khoan hẵng chi, việc gì không đáng chi thì dứt khoát không chi. Đây chính là bài học cơ bản nhất, lâu dài nhất, cần phải học cả đời người, đối với mọi đối tượng, từ con người bình thường và càng đặc biệt hơn đối với người cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Liêm, Hồ Chí Minh coi đức “liêm” của con người ta là điểm để phân biệt con người với con vật. Liêm là liêm khiết, là trong sạch, không tham ô, tham lam (cả tiền bạc, địa vị,v.v.). Trong hoàn cảnh hiện nay, người cán bộ lãnh đạo, quản lý không những cần rèn cho mình đức tính không tham lam, không tham nhũng mà còn phải đấu tranh không khoan nhượng chống lại những biểu hiện tham nhũng. Hồ Chí Minh gọi tham ô, lãng phí, quan liêuvới đúng nghĩa của nó là “giặc nội xâm”.Điều đáng chú ý nữa trong vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề này là phải đề phòng và khắc phục bệnh tham danh vọng, địa vị.
Chính, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là không tà, là thẳng thắn; việc thiện dù nhỏ cũng cố làm, việc ác dù nhỏ cũng cố tránh. Rèn luyện đức tính “chính” theo quan điểm của Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có thái độ rõ ràng, trong cuộc sống và công tác luôn yêu cái thiện, ghét cái ác; luôn hành động, làm gương cho mọi người. Điều này đúng như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý”.
Chí công vô tưlà một đức tính nữa của nhân cách người cán bộ, đảng viên mà Hồ Chí Minh đề cập. Chí công vô tư là chống chủ nghĩa cá nhân – một thứ bệnh mà Hồ Chí Minh cho đó là “bệnh mẹ” đẻ ra muôn vàn “bệnh con”. Người chỉ ra tác hại của chủ nghĩa cá nhân, như: việc gì cũng nghĩ đến cá nhân trước; ngại gian khổ, khó khăn; tham ô, lãng phí, xa hoa; tham danh, trục lợi; thích địa vị, quyền hành; tự cao, tự đại; coi khinh quần chúng; độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể… Rèn đức tính này theo gương Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay phải luôn có ý thức và hành động chăm lo đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc; phải “dĩ công vi thượng”; phải coi chức vụ, quyền hạn của mình trong bộ máy của hệ thống chính trị là do dân trao cho và phải luôn luôn phục vụ nhân dân…
Thứ ba, nhân cách người cán bộ lãnh đạo, quản lý đòi hỏi phải thường xuyên nói đi đôi với làm, trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh noi theo.
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải cứ tự nhiên có được, mà phải là kết quả của sự rèn luyện tự giác, thường xuyên, suốt đời, như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tự giác, tự nguyện, tự tu dưỡng, bồi dưỡng nhân cách phải trở thành nếp sống hằng ngày của người cán bộ. Đã đành, người cán bộ sống trong môi trường giáo dục của tập thể, nhưng cái chính vẫn là tự mình, như Hồ Chí Minh thường hay đề cập, người cán bộ phải thường xuyên xử lý ba mối quan hệ: đối với người, đối với việc và đối với bản thân mình, trong đó tự mình xử lý với chính mình là điều quan trọng nhất và khó nhất.
Nhân cách của người cán bộ lãnh đạo, quản lý còn biểu hiện ở mối quan hệ thống nhất giữa nói và làm, điều mà trong tác phẩm Đường cách mệnhxuất bản từ năm 1927, ở điều thứ 10, phần Tư cách của một người cách mệnh, Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Nói thì phải làm”. Hiện nay, có không ít người chỉ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo vì thế bị sa vào lối đạo đức giả, tạo ra sự phản cảm ghê gớm, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị…
Cũng như mọi người cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn bộ hệ thống chính trị của đất nước, người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng – lĩnh vực luôn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định bảo đảm “quân lệnh như sơn”. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng còn phải thể hiện là những người tiêu biểu cho “nhân, trí, dũng, tín, liêm, trung”; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tư cách của người cầm quân; coi trọng giữ gìn, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hiện nay, trước yêu cầu cao của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cần đặc biệt chú ý việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác. Đây là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Ý kiến ()