Thứ 6, 27/12/2024 16:45 [(GMT +7)]
Rèn luyện nghề cho những giáo viên tương lai
Thứ 5, 17/11/2011 | 08:49:00 [(GMT +7)] A A
LSO-“Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” (Phạm Văn Đồng). Muốn phát huy sự sáng tạo trong nghề nghiệp, người sinh viên sư phạm phải có “tay nghề”, hơn nữa phải giỏi nghề, phải có kỹ năng sư phạm. Sự sáng tạo được phát huy trên cơ sở của sự nắm chắc tay nghề.
Sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn- những nhà giáo tương lai |
Nếu nói rằng giáo viên là người quyết định chất lượng GD, thì đào tạo giáo viên là một trong những hoạt động đào tạo nghề giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo viên – yếu tố quyết định của việc nâng cao chất lượng GD. Rèn luyện kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm bao gồm bồi dưỡng rèn luyện cả trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm; đó là một quá trình dài xuyên suốt khóa đào tạo, bao gồm nhiều nội dung, được sắp xếp theo hệ thống lý thuyết và thực hành, thực tập.
Quán triệt rõ mục tiêu và phương pháp giáo dục mới, trong những năm qua, Trường CĐSP Lạng Sơn đã coi việc dạy chữ và rèn nghề vừa là mục đích, là phương tiện giáo dục của nhà trường. Vì vậy, công tác rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp luôn được chú trọng và đổi mới qua các thời kỳ.
Với đặc điểm học sinh sinh viên (HSSV) nhà trường phần lớn là con em đồng bào các dân tộc vùng nông thôn, có cả học sinh người dân tộc thiểu số vùng cao, khi vào trường hầu hết các em còn bỡ ngỡ, thậm chí rụt rè. Từ thực tế đó, nhà trường đã xây dựng nội dung, chương trình rèn luyện, tiêu chí đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của HSSV gắn với yêu cầu thực tiễn của hoạt động sư phạm, phù hợp với sự đổi mới của giáo dục phổ thông.
Song song với “dạy chữ”, nhà trường xây dựng chi tiết rèn luyện nghiệp vụ sát với tình hình thực tiễn. Sinh viên được tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các tình huống sư phạm đặt ra trong giáo dục phổ thông qua việc thực hiện chương trình rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên tại trường và các đợt thực tập tập trung ở các trường phổ thông. Việc nâng cao tay nghề cho HSSV được thực hiện từng bước từ thấp đến cao như những giờ dạy để hình thành và rèn kỹ năng; rèn luyện kỹ năng chuyên đề theo tháng.
Bên cạnh những kiến thức về lý luận nghiệp vụ, sinh viên còn được trang bị các học phần trong giáo học pháp bộ môn và việc tích hợp các môn học trong chương trình đào tạo, giúp họ có hành trang tốt nhất phục vụ cho rèn luyện nghề. Thực tế hoạt động trong nhà trường phổ thông rất đa dạng phong phú; các tình huống sư phạm trong nhà trường phổ thông xuất hiện hàng ngày, hàng giờ và phức tạp, đòi hỏi người giáo viên phải xử lý những tình huống cụ thể đó dựa trên nguyên lý GD nói chung. Mặt khác, do chương trình đào tạo giáo viên với thời gian ngắn, dung lượng kiến thức nhiều, thời gian thực hành nghề nghiệp ít, nên khi ra trường về giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm tại các trường phổ thông, nhiều giáo viên mới còn bỡ ngỡ. Trên thực tế đã có không ít “tai nạn nghề nghiệp” xảy ra đối với giáo viên mới.
Trước thực trạng đó, trường CĐSP đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức rèn luyện nghề nghiệp cho HSSV, đặc biệt là hội thi rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Với các nội dung thi như hùng biện, ứng xử, hiểu biết, tự chọn, làm đồ dùng dạy học, trình bày bảng… hội thi mang tính chuyên môn nghiệp vụ cao, nhằm tích cực hóa hoạt động rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho HSSV, khuyến khích sinh viên tự học, tự rèn, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn hoạt động và xử lý các tình huống sư phạm ở trường phổ thông. Thực tập sư phạm và thực tập tốt nghiệp được coi là khâu “sát hạch” tay nghề của HSSV.
Theo kế hoạch đào tạo, sinh viên được xuống thực tế tại trường phổ thông; ở đó họ có điều kiện quan sát, nghiên cứu thực tiễn, dự giờ, kiến tập, tham gia các hoạt động nội, ngoại khóa. Công tác thực tập được tổ chức với phương châm hiệu quả, thiết thực, đánh giá sát thực tế năng lực của HSSV, liên hệ chặt chẽ với các trường phổ thông, các giáo viên hướng dẫn để có những nhận xét khách quan, đánh giá chính xác năng lực của HSSV thực tập, nhất là kỹ năng nghề nghiệp của họ.
Các trường được chọn là nơi thực hành nghề cho HSSV sư phạm đã đánh giá cao việc rèn nghề cho HSSV. Biểu hiện cụ thể là những sinh viên thực tập đã có ý thức vận dụng những điều đã học vào việc xử lý những tình huống sư phạm cụ thể. Họ không chỉ có kiến thức chuyên môn vững, mà còn xử lý tốt các tình huống sư phạm để giáo dục học sinh. Đó là kết quả của thực hiện đào tạo theo chuẩn kiến thức và kỹ năng mà trường CĐSP Lạng Sơn đã thực hiện trong nhiều năm qua.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()