Rèn đức, luyện nghề cho học sinh, sinh viên
Sinh viên Trường CĐSP Lạng Sơn trong giờ ngoại khóa |
Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV
Là một trường mang tính đặc thù đào tạo và cung cấp giáo viên từ cấp học mầm non đến THCS cho ngành giáo dục của tỉnh, trong hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, Trường CĐSP Lạng Sơn luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV. Công tác này được thực hiện ngay từ tuần lễ đầu tiên của năm học và được duy trì thường xuyên liên tục trong quá trình đào tạo. Không chỉ là những bài học chính khóa về chính trị, nhà trường luôn tạo cho HSSV môi trường và cơ hội để rèn luyện. Sống trong môi trường sư phạm, nhiều HSSV đã tích cực học tập trên giảng đường, rèn luyện qua thực tiễn phong trào Đoàn, Hội sinh viên, phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, từ đó dần hình thành phẩm chất của một thầy giáo: vững vàng về tư tưởng chính trị, trong sáng về đạo đức, gương mẫu về lối sống… Đồng chí Nguyễn Thế Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, trường đã có 144 sinh viên ưu tú được cử đi học lớp nhận thức về Đảng và đã có 20 em được kết nạp vào Đảng.
Đào tạo theo chuẩn nghề nghiệp
Chuẩn nghề nghiệp là các yêu cầu có nội dung liên quan đến phạm vi nghề nghiệp. Chuẩn nghề nghiệp của giáo viên các cấp học đã được quy định rất cụ thể trong các quyết định, thông tư của Bộ GD&ĐT. Căn cứ vào những tiêu chuẩn ấy, nhà trường đã xây dựng chuẩn “đầu ra” cho các mã ngành đào tạo của mình. Để có được “sản phẩm” đạt chuẩn, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của HSSV theo tính chất dạy cách thức, phương pháp tổ chức và làm việc; liên hệ chặt chẽ với các phòng GD&ĐT, các nhà trường để tổ chức tốt các đợt thực tế của HSSV. Vì vậy, chất lượng “đầu ra” của trường không những đáp ứng chuẩn quy định mà còn đáp ứng nhu cầu xã hội, phù hợp với thực tiễn.
Trong số trên 13.000 giáo viên từ cấp học mầm non đến THCS đang giảng dạy ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh, có trên 11 ngàn giáo viên được đào tạo từ Trường CĐSP Lạng Sơn. Qua đánh giá của ngành, đã có trên 98% đạt chuẩn theo quy định. Điều đó minh chứng chất lượng cao trong công tác đào tạo của nhà trường.
Cập nhật, nắm bắt vấn đề phục vụ công tác đào tạo
Những năm gần đây, Lạng Sơn tiếp nhận và mở rộng một số phương pháp dạy học mới như mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), phương pháp “Bàn tay nặn bột”; dạy Tiếng Việt 1- Công nghệ, mở rộng loại hình trường học 2 buổi/ngày… Trong các đợt sơ kết, đánh giá của ngành, các mô hình, phương pháp này đã mang lại hiệu quả tốt và đang được nhân rộng. Nắm bắt các phương pháp, mô hình tiên tiến, Trường CĐSP Lạng Sơn đã đưa vào chương trình bồi dưỡng giảng dạy để phục vụ cho công tác đổi mới. Cô giáo Mông Vân Anh, Phó Trưởng Khoa Tiểu học nói rằng, để phục vụ cho công tác đổi mới, thay đổi phương pháp, trường sư phạm phải tiên phong trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên. Vì vậy, cập nhật nội dung, nắm bắt vấn đề mới trong GD&ĐT luôn được các cán bộ, giáo viên trong khoa thực hiện thường xuyên và đưa vào chương trình để bổ sung cho HSSV. Như chương trình VNEN đã có một chuyên đề riêng với 45 tiết, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã được bổ sung và hướng dẫn HSSV nghiên cứu. Trong lịch công tác của năm học, mỗi giảng viên phải đăng ký 2 lần thực tế tại cơ sở. Trong những lần thực tế đó, giảng viên vừa nắm bắt những vấn đề thực tiễn diễn ra trong quá trình đổi mới để bổ sung vào chương trình đào tạo; một mặt để biết “sản phẩm” của mình ra hoạt động thực tế tại nhà trường ra sao để có phương pháp phù hợp.
Đổi mới là quy luật và là điều kiện để tồn tại. Trong việc triển khai Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 100 của Đảng bộ tỉnh, xác định vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo trong đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, nhà trường đang xây dựng lộ trình đổi mới công tác đào tạo nhằm cho ra trường những lớp giáo viên vừa vững về phẩm chất chính trị, lối sống, vừa tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ đổi mới trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Ý kiến ()