Rau sau sau rừng: Món ăn đặc sản Xứ Lạng
– Những năm gần đây, lá sau sau non đã trở thành loại rau rừng đặc trưng, là món ăn đặc sản của mùa xuân Xứ Lạng. Khi tiết trời vào xuân kèm mua phùn ẩm cũng là lúc những cây sau sau rừng đua nhau đâm chồi nảy lộc.
LIỄU CHANG
Sau sau là loại cây thân gỗ, mọc tự nhiên, còn có tên gọi khác là sau trắng, phong hương hay bạch giao hương. Cây sau sau thường có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... Trong ảnh là những cây sau sau cổ thụ tại xã Điềm He, huyện Văn Quan.
Do là cây thân gỗ, cao nên khi muốn hái những ngọn sau sau non để thưởng thức, ông Hoàng Văn Tay, người dân tại xã Điềm He, huyện Văn Quan phải vất vả với chặt cành hoặc phải trèo lên cây nên khá nguy hiểm. Tại Lạng Sơn, cây sau sau có ở hầu hết các huyện, nhưng tập trung nhiều tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia...
Sau sau ở Lạng Sơn có hai loại, gồm loại lá tím và loại lá xanh. Thường người dân ưa thích loại màu tím hơn vì có vị đắng, tính bình, thanh nhiệt giải độc, có thể chữa viêm ruột, đau vùng thượng vị, thổ huyết, chảy máu cam, trị mẩn ngứa...
Anh Hoàng Văn Huy, người dân huyện Cao Lộc hái lá sau sau non để thưởng thức. Lá sau sau non thường mọc nhiều vào khoảng tháng Giêng, khi tiết trời đang lạnh dần trở ấm và có chút mưa phùn đầu xuân. Thường ngọn sau sau khi mới bật mầm từ 2 đến 3 lá sẽ được người dân hái nên rất xanh tươi và sạch tự nhiên
Lá sau sau non không chỉ là món ăn hấp dẫn người dân bản địa, mà còn rất được ưa thích bởi du khách thập phương. Nhận thấy nhiều người tìm mua thưởng thức loại rau rừng đặc sản này, tranh thủ thời gian nông nhàn nhiều người dân tại các xã: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến (huyện Cao Lộc) đã lên rừng hái đem bán tại các chợ: Giếng Vuông, Chi Lăng... thành phố Lạng Sơn
Ngọn sau sau non khi được hái từ trên rừng về thường được người dân bó lại thành từng bó ngay ngắn. Trung bình mỗi buổi lên rừng hái, người dân hái được từ 40 đến 50 bó lá sau sau non
Bà Lăng Thị Kim, người dân xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) tranh thủ thời gian nông nhàn hái lá sau sau non đem bán tại khu vực chợ Giếng Vuông. Thường mỗi bó lá sau sau non bà bán được với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng. Nhờ lộc rừng, gia đình bà đã có khoản thu nhập khá ngay dịp đầu năm mới
Lá sau sau non chứa nhiều chất tannin nên có vị chát, thơm gần giống quả trám trắng. Khi chấm ngọn sau sau với sốt cà chua mẻ, vị chát của lá hòa quyện với vị chua của mẻ, ngậy của thịt hộp tạo nên một món ăn vô cùng thú vị, hấp dẫn người dân bản địa và du khách thập phương.
Ý kiến ()