Rau rừng xuống phố
LSO-Cây rau bò khai đã gắn bó với người dân huyện Chi Lăng từ rất lâu. Nhận thấy nguồn lợi nhuận từ cây rau này, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn trồng thử và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Triệu Văn Hiệu, xã Gia Lộc thu hoạch rau bò khai |
Anh Triệu Văn Hiệu, thôn Đông Pầu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng – một trong những người đi đầu trong việc trồng rau bò khai cho biết: Ngày trước, khi còn rừng tự nhiên thì loại rau này khá nhiều, mọc ở gần chân núi đá. Nhưng do người dân thường lên rừng hái củi hoặc tận dụng các chân núi để mở rộng diện tích đất sản xuất hay trồng cây lấy gỗ đã vô tình làm cây rau bò khai và nhiều cây rau khác bị mất đi. Thấy được giá trị của cây rau này, gia đình tôi đã mang về trồng trong vườn. Cây mọc nhanh, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, chỉ 1 năm là có thể thu hoạch được.
Hiện nay, gia đình anh Hiệu có khoảng 300 gốc, cứ 3 – 5 ngày gia đình anh lại được hái ngọn và có thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 3.500 – 5.000 đồng/bó, hoặc 40.000 đồng – 50.000 đồng/kg, tính ra vào khoảng 300 đồng/ngọn. Theo anh Hiệu, trung bình mỗi lần thu hái, gia đình thu được từ 300.000 – 500.000 đồng, như vậy, gia đình anh thu nhập từ rau bò khai khoảng từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Trong thời gian tới, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích trồng rau này.
Không chỉ gia đình anh Hiệu mà còn nhiều hộ gia đình khác ở các xã Gia Lộc, Hòa Bình và thị trấn Đồng Mỏ đã trồng và cho thu nhập cao từ cây rau bò khai như gia đình Vy Văn Hiệp, thôn Lũng Kính, thị trấn Đồng Mỏ có khoảng 1.000 gốc, mỗi năm cho thu nhập từ 90 – 100 triệu đồng; gia đình ông Ngô Văn Xanh, thôn Làng Giang, xã Gia Lộc bình quân mỗi năm có thu nhập từ 60 – 80 triệu đồng… còn hàng chục hộ gia đình khác cũng có thu nhập từ 20 – 30 triệu đồng/năm từ cây rau bò khai này.
Ông Hoàng Ngọc Long, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Chi Lăng cho biết: Hiện nay, toàn huyện đã có hơn 8 ha với khoảng 30 hộ trồng rau bò khai, trong đó xã Gia Lộc có trên 5 ha. Rau bò khai dễ trồng vì trong tự nhiên, chúng sinh trưởng rất khỏe, ít sâu bệnh. Lại là cây ăn lá, thuộc hộ dây leo, cây mọc rất nhanh, hầu như ra chồi, mọc lá mới hầu như quanh năm (chỉ trừ một vài tháng mùa đông nhiệt độ quá thấp). Với một sào Bắc bộ (360 mét vuông) có thể trồng được từ 100 – 120 gốc và sau 2 năm có thể cho thu hái, đến năm thứ ba có thể cho thu nhập từ 30 triệu đồng/sào.
Theo tìm hiểu, rau bò khai không chỉ là một món ăn ngon, có hương vị rất đặc trưng mà còn là một vị thuốc rất tốt. Lá cây bò khai thường được dùng để chữa bệnh viêm thận, gan, viêm đường tiết niệu, tiểu tiện không thông… Với những đặc điểm đó, rau bò khai đã trở thành đặc sản, được nhiều nhà hàng, nhiều người lựa chọn làm thuốc, làm thức ăn hàng ngày. Đầu ra ổn định, luôn có thương lái đến tận nhà thu mua với số lượng lớn để cung cấp cho thị trường cả trong và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng rau này trên thị trường chưa nhiều, nguồn cung không đủ cầu. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan, ngành chức năng về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cũng như khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng cây rau này, để thực sự cây rau bò khai gắn với thương hiệu “Rau rừng xuống phố”.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()