Rau đặc sản Xứ Lạng: Cơ hội và thách thức
LSO-Mới đây, thỏa thuận phối hợp giữa Hà Nội – Lạng Sơn trong lĩnh vực NN và PTNT đã được ký kết. Bước đầu tiên của thỏa thuận là xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rau đặc sản của Lạng Sơn. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập vào thị trường thủ đô một cách ổn định, người trồng rau Xứ Lạng phải tạo ra được sản phẩm an toàn, được kiểm duyệt. Không chỉ bắt tay vào quy trình sản xuất mới, hiện đại hơn mà còn phải làm quen với các phương thức quảng bá trực tuyến thông qua internet.
|
Nông dân thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn chăm sóc cà chua theo quy trình sản xuất an toàn |
LSO-Mới đây, thỏa thuận phối hợp giữa Hà Nội – Lạng Sơn trong lĩnh vực NN và PTNT đã được ký kết. Bước đầu tiên của thỏa thuận là xúc tiến đầu tư và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm rau đặc sản của Lạng Sơn. Tuy nhiên, để có thể thâm nhập vào thị trường thủ đô một cách ổn định, người trồng rau Xứ Lạng phải tạo ra được sản phẩm an toàn, được kiểm duyệt. Không chỉ bắt tay vào quy trình sản xuất mới, hiện đại hơn mà còn phải làm quen với các phương thức quảng bá trực tuyến thông qua internet.
Ông Nguyễn Công Bình, Giám đốc Trung tâm khuyến nông kể: Mỗi lần có dịp đi hội thảo tại Trung ương hay những tỉnh thành lân cận, tôi hay mang chút rau xanh của Lạng Sơn đi làm quà cho các đại biểu, ai cũng khen và công nhận Lạng Sơn được thiên phú về điều kiện khí hậu để sản xuất ra được các loại rau xanh vừa thơm vừa giòn, ngọt. Cùng chung quan điểm đó, ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội khẳng định: các sản phẩm rau của Lạng Sơn được thị trường Hà Nội rất ưa chuộng, đặc biệt là rau trái vụ, rất được giá. Theo thống kê của Sở NN và PTNT Hà Nội, hiện nay sản suất nông nghiệp trên địa bàn thủ đô chỉ đáp ứng được 33% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Với nhu cầu rất lớn, mỗi năm thủ đô cần nhập khoảng 500.000 tấn rau xanh và trên 300.000 tấn quả. Với vị trí và hệ thống giao thông thuận lợi, Hà Nội chính là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đối với các sản phẩm nông sản của Lạng Sơn, đặc biệt là các loại rau đặc sản.
Trên thực tế, cách đây vài năm, được sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn, một số cơ sở sản xuất rau an toàn của Lạng Sơn cũng đã liên kết với một số nhà hàng, siêu thị ở thủ đô Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với diện tích sản xuất nhỏ, đồng thời cũng chưa hình thành được các vùng chuyên canh, nên số lượng sản phẩm cung cấp không đều, cùng với một số nguyên nhân chủ quan khác khiến cho mối liên kết này không bền chặt. Theo khảo sát, diện tích trồng rau hàng năm của toàn tỉnh là khoảng 5.000 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn/năm. Tuy nhiên trong đó chỉ có 12 cơ sở sản xuất với diện tích khoảng 21ha là đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Hầu hết những diện tích này tập trung ở thành phố Lạng Sơn.
Mới đây, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa ngành NN và PTNT Hà Nội và Lạng Sơn về “Phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn”, các đại biểu đã thống nhất ưu tiên xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ rau an toàn của Lạng Sơn tại Thủ đô Hà Nội. Trước mắt là triển khai ngay các bước cụ thể là tìm hiểu nhu cầu để hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh; tổ chức tọa đàm giữa các cơ sở sản xuất rau an toàn ở các vùng, có sự tham gia của các doanh nghiệp.Qua đó để tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh trong sản xuất rau an toàn, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm rau của Lạng Sơn thông qua sàn giao dịch trực tuyến rau, quả và thực phẩm an toàn tại địa chỉ www.sanbanbuon.vn. Trong đó có các nội dung quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trên đài truyền hình Hà Nội.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết để rau xanh Xứ Lạng có thể vươn tới thị trường Thủ đô một cách ổn định là Lạng Sơn phải mở rộng được vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Từng bước xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho rau an toàn Lạng Sơn. Giám đốc Sở NN và PTNT Lạng Sơn, Lê Thị Thanh Nhàn cho biết: trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn thời kỳ 2011-2020 đã xác định các vùng trọng điểm về sản xuất rau, đậu đỗ. Hiện nay Ngành NN và PTNT đang tiến hành xây dựng quy hoạch vùng cây nguyên liệu gắn với chế biến và xuất khẩu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó rau xanh các loại cũng được quy hoạch là một trong các sản phẩm phục vụ ngành chế biến và xuất khẩu. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành NN và PTNT cũng đang khẩn trương triển khai dự án rau an toàn trên địa bàn huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.
|
Nông dân xã Quảng Lạc, TP Lạng Sơn gieo trồng cây vụ xuân |
Song song với những nỗ lực triển khai của ngành chuyên môn, thì sự vào cuộc của các địa phương và đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của nhà nông, những người trực tiếp sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu. Xét cho cùng thì nhu cầu của thị trường là rất lớn, việc hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ cũng đang được triển khai, nhưng điều quan trọng nhất là từ đó nhà nông phải tạo ra được sản phẩm đảm bảo yêu cầu về an toàn và chất lượng để phục vụ thị trường.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()