Rau đặc sản: Sẵn sàng đón tết
LSO-Với khí hậu á nhiệt đới, Lạng Sơn rất hợp với trồng, khai thác thế mạnh rau đặc sản. Rau đặc sản Lạng Sơn hiện nay không chỉ tiêu thụ trong nội tỉnh mà đã xuất bán ra nhiều tỉnh trong khu vực. Năm nay ngay khi bước vào cận tết, các vùng rau đặc sản của Lạng Sơn đã sẵn sàng cho tết.
Chị Hoàng Thị Lý, Hợp tác xã rau an toàn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn vừa nhanh tay vun luống súp lơ xanh bắp mới to bằng nắm tay, vừa trò chuyện với khách: “Trông thế này thôi nhưng chỉ độ 15 ngày nữa là xuất bán được rồi. Trời ấm, mưa phùn thế này chắc chắn sẽ thu hoạch sớm hơn, như vậy vừa để phục vụ tết, gia đình vừa kịp mua sắm”. Không riêng gì gia đình chị Lý mà tất cả các xã viên của Hợp tác xã rau an toàn Nà Chuông đang bước vào vụ mới, vụ trồng rau phục vụ tết. Trên khắp cánh đồng rau Nà Chuông, những xã viên đang hối hả vun luống, tưới rau, tỉa thưa rau, tất cả không khí ấy như thôi thúc họ mau mắn hơn cho một vụ tết bội thu. Hòa không khí trồng rau cho vụ tết, trên các cánh đồng rau như Phai Lim, Phai Khẩu, Gia Cát, Hoàng Đồng… những nông dân cũng đang dồn sức cho vụ mới.
Người dân mua rau đặc sản tại chợ Đông Kinh |
Theo thống kê, hiện vùng rau Lạng Sơn đã đạt trên 4.500 ha trải khắp các huyện. Rau đặc sản Lạng Sơn đã trở thành hàng hóa cung cấp cho khách du lịch. Sản lượng rau đã đạt gần 50 ngàn tấn mỗi năm. Những năm gần đây khi mở rộng liên kết các vùng sản xuất, rau đặc sản Lạng Sơn đã được nhiều tỉnh biết đến. Trong đó riêng Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hà Nội đã ký kết tiêu thụ rau đặc sản Lạng Sơn tại các siêu thị lớn tại Hà Nội, điều đó đã làm diện tích rau trong toàn tỉnh tăng trung bình 1,36% mỗi năm. Đặc biệt người dân đã biết sử dụng quy trình sản xuất rau an toàn nên thương hiệu rau Lạng Sơn đã được nhiều người tiêu dùng tin cậy.
Để có quy trình sản xuất rau đặc sản an toàn, các cơ quan chuyên môn như Sở Khoa học và Công nghệ, dự án VeCo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các trạm khuyến nông cơ sở đã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để người dân nắm bắt quy trình sản xuất. Tính từ đầu năm 2013, toàn tỉnh đã mở trên 100 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho trên 8.000 lượt nông hộ trồng rau. Mở hội thảo khoa học, hội thi rau an toàn cấp thành phố để phổ biến, hướng người dân sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt GAP. Đặc biệt hơn chính người nông dân đã tự biết tìm tòi kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm tốt nhất. Chị Dương Thị Ngân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cho biết, trước khi bước vào vụ trồng rau tết tôi đã tìm hiểu qua cán bộ khuyến nông để trồng đúng thời vụ, thu hoạch đúng cách, sau đó làm theo đúng hướng dẫn. Cho tới nay hơn 4 sào rau của gia đình đã phát triển rất tốt, đã có khách đến tận vườn đặt mua để ăn tết.
Để chuẩn bị cho vụ rau tết và mùa thu hút khách du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND thành phố đã tổ chức hội thi rau an toàn. Hội thi đã thu hút trên 200 nông dân đến từ các vùng lân cận thành phố họ giao lưu, học hỏi để hiểu biết thêm về kỹ thuật trồng, chăm bón, thu hoạch, bảo quản rau sau thu hoạch. Những kiến thức đó đã rất thiết thực với vụ rau cận tết này. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, vào thời điểm cận tết nhân dân tăng cường trồng, chăm sóc các loại rau có giá trị kinh tế cao như cải ngồng, cải làn, bắp cải, súp lơ. Do chăm sóc tốt nên rau vụ đông xuân thường đạt năng suất 115 tạ/1ha. Như vậy chỉ tính xung quanh khu vực thành phố đã cung cấp ra thị trường trên 10 ngàn tấn rau, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết và có một phần cung cấp ra thị trường bên ngoài. Theo ông Hà Xuân Tiên, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Lạng Sơn, năm nay mặc dù thời tiết khắc nghiệt, nền nhiệt độ trung bình có lúc dưới 13 độ nhưng thời điểm cận tết thời tiết luôn ổn định, tốt cho trồng rau vụ đông. Điều đó đã tạo một tâm lý thuận lợi lớn cho người dân vùng rau khi bước vào vụ tết. Và đây cũng là tin vui cho người tiêu dùng khi tết đến xuân về.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()