Thứ 4, 25/12/2024 13:11 [(GMT +7)]
Rau an toàn ở thành phố: Chờ một vùng chuyên canh ổn định
Thứ 3, 21/08/2012 | 08:54:00 [(GMT +7)] A A
Có thể khẳng định với sự quan tâm, hỗ trợ, vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Lạng Sơn đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục để nông nghiệp thành phố thực sự phát triển theo chiều sâu, hình thành được vùng chuyên canh tương xứng với tiềm năng.
LSO-Cách đây 5 năm, bà Hoàng Thị Thu, khi ấy là Phó phòng Kinh tế thành phố chia sẻ mong muốn một ngày nào đó người dân thành phố Lạng Sơn sẽ hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn và các sản phẩm ấy sẽ được đóng gói bày bán trong siêu thị, có mã số, mã vạch hẳn hoi. Giờ bà Thu đã về hưu, còn mong muốn trước kia, nay một phần đã trở thành hiện thực. Nhưng xét một cách tổng thể thì vùng sản xuất rau của thành phố vẫn phát triển chưa đều và chưa chuyên canh.
Sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Giai đoạn 2005-2006, thành phố Lạng Sơn đã xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất rau an toàn và đến 2007 là thời điểm thành phố tăng cường các hình thức hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện đề án tại thôn Nà Chuông, xã Mai Pha. Thành phố đã trang bị từ hệ thống bơm thủy lợi, bể chứa nước sạch để tưới rau cho đến việc tổ chức các lớp quản lý dịch hại trên cây trồng IPM và huấn luyện nhà nông trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Sau rất nhiều nỗ lực, cuối năm 2007, 35 hộ gia đình ở Nà Chuông đã đăng ký sản xuất rau an toàn với diện tích gần 3ha. Chị Đinh Thị Thơi, một trong những người tham gia vào đợt sản xuất đầu tiên ấy cho biết: thời điểm đó rau an toàn Nà Chuông trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, bán đắt hàng lắm, trung bình mỗi lứa rau thu được hơn 2 triệu đồng/sào. Một thu nhập không nhỏ trong thời điểm 2007.
Cũng trong năm đó, hợp tác xã nông nghiệp Nà Chuông ra đời với trên 80 xã viên, chuyên trồng rau sạch. Bà Hoàng Thị Thu, nguyên Phó phòng Kinh tế thành phố nhớ lại: lúc đó, Phòng Kinh tế đã liên hệ với một số cửa hàng ở Hà Nội và tạo được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Cùng lúc đó, UBND thành phố đã tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân Nà Chuông một gian hàng rau sạch tại chợ Giếng Vuông và một số điểm bán hàng tại khu vực Nhà hàng Lạng Sơn…Năm 2010, sản phẩm rau an toàn Nà Chuông đã chính thức được đặt lên kệ của siêu thị Lasvilla, Thành Đô với bao bì đầy đủ mã số, mã vạch, tên hộ gia đình sản xuất. Lúc này diện tích sản xuất rau an toàn ở Nà Chuông đã lên đến 8ha, đồng thời đã bắt đầu có sự chuyên nghiệp hóa từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đầu năm 2012, vùng sản xuất rau an toàn của thành phố tiếp tục được mở rộng ra các nơi khác bằng việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp Rọ Phải, xã Mai Pha. Ông Phùng Văn Thượng, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: hợp tác xã có 38 xã viên, chuyên sản xuất rau an toàn với diện tích khoảng 3ha, hiệu quả kinh tế là rất khả quan, trung bình thu nhập trong thời điểm này đạt từ 4-5 triệu đồng/vụ/sào.
Ông Phạm Công Cường, Phó phòng Kinh tế thành phố Lạng Sơn cho biết, tổng diện tích trồng rau của thành phố hiện nay đã lên đến trên 14ha. Ngoài 2 vùng sản xuất rau an toàn, thì thành phố còn vùng sản xuất rau lâu đời ở các khối 3, 6 và 9, phường Đông Kinh. Vùng rau này đã đáp ứng được một phần nhu cầu của nhân dân thành phố, một phần để cung cấp cho khách du lịch. Tuy nhiên nhìn một cách tổng quát, thì sự phát triển của vùng rau chưa đều. Vùng sản xuất rau lâu đời ở phường Đông Kinh thì không thể phát triển thêm nữa bởi đã có quy hoạch đô thị, phần còn lại chủ yếu tập trung ở Mai Pha. Thực ra cách đây vài năm, thành phố đã triển khai mở rộng diện tích trồng rau an toàn ra xã Quảng Lạc, nhưng đến nay vẫn chưa thành công. Theo ông Phạm Công Cường thì nguyên nhân là do trình độ canh tác của người nông dân nơi đây vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong khi đó, vùng sản xuất rau ở Mai Pha thì chưa thực sự chuyên canh, sản phẩm chưa cung cấp được đều đặn vào tất cả các thời điểm trong năm, có lúc thì dồn ứ dẫn tới giá thành hạ, khi thì khan hiếm không có rau cung ứng cho thị trường. Thêm vào đó, hiện nay khi sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức khác đã hết, thì cũng là lúc không còn thấy bóng dáng của rau đóng gói trong siêu thị; số điểm cung ứng rau an toàn cũng thu hẹp lại và người nông dân lại quay trở về với những gánh hàng rong để bán lẻ.
Có thể khẳng định với sự quan tâm, hỗ trợ, vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Lạng Sơn đã có sự phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại cần phải khắc phục để nông nghiệp thành phố thực sự phát triển theo chiều sâu, hình thành được vùng chuyên canh tương xứng với tiềm năng.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()