Rạng rỡ miền quan họ
Nghệ nhân dân ca quan họ làng Diềm, xã Hòa Long (TP Bắc Ninh) với các nghệ sĩ trẻ.
Dân ca quan họ trong đời sống đương đại
Hát quan họ đã trở thành nét đặc trưng bao trùm lên mọi lễ hội vùng Kinh Bắc, trở thành nét văn hóa trong đời sống của người dân Bắc Ninh. Năm 2019, quan họ vẫn là thỏi nam châm với lực hút khó cưỡng, thu hút số lượng rất lớn du khách thập phương tìm về tham dự Hội Lim.
Không chỉ được bảo tồn và phát huy hiệu quả ở Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh và Trung tâm Văn hóa tỉnh, quan họ còn đang được truyền dạy, thực hành nghiêm túc và bài bản trong các trường học và ngay tại cộng đồng. Nhìn lại chặng đường 10 năm gìn giữ mạch nguồn quan họ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Ninh Trần Quang Nam cung cấp cho phóng viên hàng loạt con số “biết nói”. Tính đến hết năm 2018, chỉ tính riêng tại Bắc Ninh đã bảo tồn, gìn giữ và phát triển 44 làng quan họ gốc, 369 làng quan họ thực hành và 381 câu lạc bộ (CLB) quan họ thực hành. Cả nước có tổng cộng 140 CLB quan họ thực hành đang hoạt động đều đặn, trong đó Bắc Giang đứng đầu với 84 CLB. TP Hồ Chí Minh sôi nổi với những CLB tiêu biểu như Sông Thương, Trầu cau, Trúc xinh… Hà Nội tập hợp những người yêu quan họ tại CLB quan họ sinh viên Kinh Bắc, CLB ca nhạc cổ truyền bảo tồn văn hóa quan họ (thuộc Cung văn hóa Hữu nghị Việt Xô)… CLB quan họ thực hành đã xuất hiện từ thành phố biển Vũng Tàu (Giao duyên) đến phố núi Lâm Ðồng (Quan họ Bắc Ninh), từ Kon Tum (Mười nhớ) đến đất võ Bình Ðịnh (Tứ xuân)…
Bắc Ninh đã tổ chức nhiều chương trình đưa các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh cùng các nghệ nhân tham gia nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu và quảng bá vẻ đẹp của di sản này đến công chúng trong nước và nước ngoài. Suốt 10 năm qua, 1.079 buổi biểu diễn (916 buổi trong tỉnh, 158 buổi ngoài tỉnh) đã được tổ chức. Quan họ cũng đã vượt biên giới để đến với khán giả năm quốc gia: Lào, Trung Quốc, Pháp, Ðức và Séc.
Những nhà chứa quan họ – thiết chế văn hóa đặc thù riêng của người quan họ, nơi diễn ra các sinh hoạt, giao lưu, truyền dạy cũng được phục dựng theo lối truyền thống. Có thể kể tới những cái tên đã trở thành chất keo gắn kết cộng đồng quan họ Bắc Ninh như Nhà chứa quan họ thị trấn Lim 1 và 2 (thị trấn Tiên Du), khu Ðương Xá (phường Vạn An), thôn Viêm Xá (xã Hòa Long), phường Thị Cầu (TP Bắc Ninh)… Trong những không gian này, người trẻ có cơ hội được nhiều nghệ nhân tên tuổi như Lê Cần, Hồng Tĩnh hay nhạc sĩ Ðức Miêng, Ngọc Lương… hoặc các liền chị – liền anh như Ðặng Thị Huệ – Nguyễn Văn Thuyết (Ðương Xá) nhiệt tình chỉ dạy, uốn nắn từ câu hát cổ, đến những giọng khó như giọng vặt – giọng giã bạn…
Cũng trong khoảng 10 năm, hơn 20 lớp dạy hát dân ca đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức tại tám địa phương, do các nghệ nhân trực tiếp truyền dạy. Trường trung cấp Văn hóa, nghệ thuật và du lịch Bắc Ninh có riêng Khoa Dân ca quan họ với 360 nghệ sĩ được đào tạo. Ðáng chú ý, việc dạy hát dân ca quan họ Bắc Ninh trong tất cả các cấp học, từ lớp mẫu giáo đến học sinh lớp 12 đã được triển khai từ năm 2011. Một học sinh tốt nghiệp THPT ở Bắc Ninh đều có ít nhất 26 bài dân ca quan họ làm hành trang bước vào đời.
Không chỉ trao truyền tình yêu quan họ tới thế hệ trẻ, những “hạt vàng” trong kho tàng của cha ông cũng được tìm tòi, sưu tầm và chỉnh lý, bảo tồn, phục dựng. Như các hình thức hát quan họ truyền thống, một số phong tục đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa quan họ, các bài bản quan họ cổ, ký âm các lời ca quan họ…
Nỗ lực bảo tồn di sản
Hiểu rõ vai trò quyết định và những đóng góp vô giá của đội ngũ nghệ nhân trong gìn giữ và phát triển dòng chảy đời sống dân ca quan họ, Bắc Ninh thuộc số ít địa phương được đánh giá cao trong thực hiện cơ chế, chính sách tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân.
71 báu vật sống của dân ca quan họ đã được tôn vinh, 30 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Tỉnh cũng đã lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân cho ba nghệ nhân và Nghệ nhân Ưu tú cho 18 nghệ nhân thuộc loại hình dân ca quan họ. Ðó cũng là động lực giúp những nghệ nhân như Nguyễn Thị Thềm (thôn Viêm Xá, xã Hòa Long) hết lòng, dốc sức trên hành trình bảo tồn di sản. “Quan họ như mạch máu, như hơi thở mỗi ngày cho nên tôi sẽ hát, sẽ truyền dạy đến khi nào cạn sức mới thôi”, nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm tâm sự.
Những đầu việc đã triển khai, những con số đạt được kể trên thật sự rất đáng khích lệ, cho nỗ lực “rạng rỡ miền quan họ” mà chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được. Nhưng vẫn còn đó canh cánh nhiều mối lo. “Bản chất của dân ca quan họ Bắc Ninh là một tập quán xã hội và phương thức sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên ngày nay, phương thức sinh hoạt này ở một phương diện nào đó đang bị coi là một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận. Vậy nên tính chất của nó có phần bị biến đổi. Ðã có một số nhóm, cá nhân thương mại hóa quan họ ở một số lễ hội, nhà hàng, khách sạn gây ảnh hưởng đến giá trị, hình ảnh và bản sắc độc đáo của loại hình này. Thêm nữa, dân ca quan họ Bắc Ninh được hình thành và phát triển gắn liền với không gian văn hóa làng xã. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng, một số làng quan họ gốc đã thành phố, thành phường. Không gian văn hóa quan họ làng xã truyền thống đang bị thu hẹp dần. Mối lo lớn nhất hiện nằm ở vấn đề du lịch văn hóa. Dân ca quan họ Bắc Ninh là nội dung thu hút và hấp dẫn đặc biệt với du khách. Ở chiều tích cực, du lịch tìm hiểu về văn hóa quan họ có thể phát huy và biến tiềm năng dồi dào của di sản trở thành động lực phát triển. Tuy nhiên, du lịch cũng có thể khiến các hình thức cùng không gian trình diễn, thậm chí tính chất của dân ca quan họ có thể bị biến đổi”, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh Trần Quang Nam chia sẻ.
Ý kiến ()