Rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Nga - Ba Lan
Vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” kể từ khi cuộc xung đột Moscow – Kiev bùng phát, tới nay, căng thẳng giữa Nga và Ba Lan đã leo thang tới đỉnh điểm sau khi chính quyền Ba Lan tiến hành thu hồi một trường học của Đại sứ quán Nga tại Warsaw với lý do tòa nhà thuộc sở hữu của nhà nước Ba Lan. Moscow tuyên bố động thái của Warsaw sẽ không tránh khỏi những phản ứng gay gắt và hậu quả.
Hôm 29/4 (giờ địa phương), chính quyền Ba Lan đã bắt đầu thủ tục thu hồi tòa nhà của trường học Đại sứ quán Nga ở Warsaw. Các nhân viên giảng dạy được yêu cầu rời khỏi tòa nhà trước 19h00 (giờ địa phương) cùng ngày. Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, theo quan điểm của Ba Lan đã được tòa án xác nhận, tài sản này thuộc về nhà nước Ba Lan và Nga đang nắm giữ nó một cách bất hợp pháp. Chính quyền Warsaw cho hay, tòa nhà sẽ được cung cấp cho hệ thống trường học Warsaw hiện đang rất thiếu cơ sở giảng dạy.
Trong phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố trong đó mô tả động thái của chính quyền Ba Lan là “hành vi vi phạm Công ước Vienna năm 1961 và xâm phạm tài sản ngoại giao của Nga ở Ba Lan”. Tuyên bố nhấn mạnh: “Hành động này vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ văn minh giữa các quốc gia, sẽ không tránh khỏi phản ứng gay gắt và những hậu quả đối với chính quyền Ba Lan và lợi ích của nước này tại Nga”.
Trong khi đó, Ủy ban Điều tra của Nga cho biết họ sẽ đưa ra “đánh giá pháp lý” về vụ việc. Ông Lukasz Jasina, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng, Nga có quyền phản đối nhưng Ba Lan đang hành động theo luật. Về phần mình, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev cũng đã lên tiếng phản đối động thái của Warsaw, nhấn mạnh chính quyền Ba Lan không có quyền thu giữ tòa nhà vì đây là tòa nhà ngoại giao, đồng thời tuyên bố Moscow sẽ gửi công hàm phản đối và cân nhắc khả năng trả đũa.
Ông nói: “Theo Công ước Vienna, các cơ sở ngoại giao không thể bị xâm nhập và tịch thu. Chính quyền Ba Lan viện dẫn các phán quyết của tòa án Ba Lan và chúng tôi coi những phán quyết này là bất hợp pháp và bị chính trị hóa. Những vấn đề như vậy được giải quyết thông qua đàm phán ở các quốc gia văn minh”.
Động thái tịch thu trường học Đại sứ quán Nga của chính quyền Ba Lan diễn ra chỉ vài ngày sau khi Đại sứ Sergey Andreyev hôm 26/4 xác nhận tất cả số tiền trong tài khoản của Đại sứ quán và Văn phòng Thương mại Nga tại Warsaw đã bị Văn phòng Công tố Ba Lan tịch thu. Ông cho biết: “Chúng tôi đã nhận được thông báo từ văn phòng công tố rằng tiền trong tài khoản Ngân hàng Santander của đại sứ quán và đại diện thương mại đã được chuyển vào tài khoản của văn phòng công tố”. Sau đó, Ngân hàng Santander đã thông báo với Đại sứ quán Nga rằng họ đã ngừng hợp tác với Chính phủ Nga và đóng các tài khoản. Theo Đại sứ Sergey Andreyev, có một lượng đáng kể cả USD và đồng zloty của Ba Lan trong cả hai tài khoản.
Trước đó, chính quyền Ba Lan đã đóng băng tài khoản của Đại sứ quán Nga với lý do nghi ngờ rằng đại sứ quán này có thể liên quan đến rửa tiền hoặc khủng bố. Việc này khiến Đại sứ quán Nga không thể trả tiền thuê một cơ sở giải trí gần Warsaw, sau đó chính quyền Ba Lan đã chấm dứt hợp đồng thuê và tịch thu tài sản vào tháng 11/2022. Một tài sản khác là ngôi nhà tại số 100 Phố Sobieski đã bị tịch thu vào mùa xuân năm ngoái. Vào thời điểm đó, Thị trưởng Warsaw là ông Rafal Trzaskowski nói rằng nên trao số tiền này cho những người tị nạn Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga đã phản đối cả hai vụ tịch thu tài sản trên và coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao.
Hồi đầu tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép quản lý hành chính tài sản của “các quốc gia không thân thiện”, nhằm đáp trả động thái tịch thu tài sản Nga ở nước ngoài. Cụ thể, sắc lệnh được công bố ngày 25/4 và được thông qua với lý do cần phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đáp trả các hành động bất hợp pháp của Mỹ và các quốc gia khác khi các nước này tịch thu tài sản của Nga, của các công ty và công dân Nga. Bất động sản và tài sản tại Nga (như chứng khoán và cổ phần trong vốn điều lệ của các công ty Nga) của các thực thể thuộc các quốc gia đó sẽ bị quản lý hành chính tạm thời trong trường hợp các nước này có những động thái “không thân thiện”, hoặc nếu có mối đe dọa nhằm vào an ninh quốc gia, kinh tế, năng lượng cũng như khả năng phòng thủ. Cơ quan Quản lý Tài sản Nhà nước Liên bang Nga (Rosimushchestvo) sẽ là cơ quan quản lý. Cơ quan này sẽ thực hiện các nhiệm vụ của một chủ sở hữu, ngoại trừ quyền định đoạt tài sản.
Cơ quan này cũng sẽ kiểm kê và bảo vệ tài sản mà mình đang quản lý. Sắc lệnh có đoạn: “Các chi phí quản lý hành chính tài sản sẽ được chi trả bằng thu nhập từ việc sử dụng các tài sản này. Việc quản lý hành chính có thể được chấm dứt theo quyết định của Tổng thống Nga”. Có hiệu lực từ ngày 25/4, sắc lệnh cũng đi kèm một danh sách tài sản bị quản lý, hiện có ba mục, liên quan đến cổ phần của các cổ đông nước ngoài trong công ty phân phối điện Unipro và công ty năng lượng Fortum.
Quan hệ Nga-Ba Lan đã trở nên căng thẳng kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát và Ba Lan là một trong những thành viên tích cực của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên án các hành động của Nga. Hôm 18/4, Ba Lan đã bắt đầu xây dựng hàng rào điện tử ở biên giới với vùng Kaliningrad của Nga. Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski cam kết sẽ biến hàng rào dọc biên giới với Nga thành hàng rào hiện đại nhất: “Đó sẽ là một bức tường vô cùng hiện đại, giống như ở biên giới với Belarus. Rất nhiều máy quay giám sát ngày và đêm, cùng cảm biến chuyển động”. Theo ông, khi việc xây dựng hàng rào hoàn thành vào khoảng mùa thu tới, chính quyền Ba Lan sẽ có thể “giám sát đầy đủ” khu vực biên giới với Nga và có khả năng “chuẩn bị hoàn hảo” để đối phó với mọi hoạt động bất hợp pháp. Ông tuyên bố: “Đây sẽ là biên giới an toàn nhất của EU”.
Chưa hết, cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan hôm 23/3 đã lập danh sách 45 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi điều tra mà phía nước này cho là hoạt động gián điệp và đề nghị Bộ Ngoại giao Ba Lan trục xuất.
Nguồn:https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ran-nut-nghiem-trong-trong-quan-he-nga-ba-lan-i691991/
Ý kiến ()