Rác thải: Nguồn năng lượng đang bị lãng phí
35.000 tấn rác được chôn lấp mỗi ngày là nguồn tài nguyên đang bị lãng phí mà Việt Nam chưa tận dụng hết cho sản xuất năng lượng, trong khi diện tích đất dùng làm bãi rác thì không thể dùng cho các hoạt động kinh tế khác.
Xử lý rác thải bằng công nghệ sinh học, một trong những biện pháp tiên tiến và hiệu quả, nhưng còn rất ít tại Việt Nam (Ảnh minh hoạ). |
Để khuyến khích việc xử lý hiệu quả chất thải rắn cho sản xuất năng lượng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích như giá mua điện (FIT) ở mức 10,05 US cents/kWh cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn sử dụng công nghệ đốt trực tiếp theo Quyết định số 31/2014/QD-TTg và Thông tư số 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu.
Thực tế cho thấy sản xuất năng lượng từ chất thải hiện đang trở thành một giải pháp hữu hiệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam gần đây để giải quyết các thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất tại các đô thị, đồng thời đóng góp vào sản xuất năng lượng bền vững của quốc gia.
Trước nhiều ý kiến cho rằng sản xuất điện từ rác thải thì đắt hơn so với các mô hình truyền thống như than, ông Ingmar Stelter, Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) bày tỏ quan điểm: “Ý kiến trên chỉ đúng một phần bởi phải tính toán đến các lợi ích khác như không phải sử dụng đất để chôn rác, thải loại rác theo mô hình này sẽ không ô nhiễm môi trường”.
Đề xuất công nghệ chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng cho Việt Nam, ông Joerg Wagner, đại diện Công ty TNHH Intecus cho rằng, hàm lượng hữu cơ cao trong chất thải rắn đô thị nên sự phân hủy khô là một công nghệ chuyển đổi chất thải rắn thành năng lượng đáng quan tâm đối với Việt Nam. Các bãi thải vệ sinh rất cần ở Việt Nam để giảm gánh nặng môi trường của việc xả thải không được kiểm soát nên sử dụng năng lượng từ khí bãi rác cũng là một cơ hội cho tương lai gần.
Trong khi đó, ông Trương Việt Anh, đại diện Công ty Fecom cho rằng, “cần ổn định về nguồn rác” cho các nhà đầu tư là vấn đề cốt yếu. Đơn cử nhiều nhà đầu tư không thể tìm được nguồn rác ổn định để phát triển dù có những nguồn rác như bãi rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000-6.000 tấn rác được chở đi chôn lấp.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()