Rắc rối hữu hình từ phi đội tiêm kích tàng hình của Anh
Không quân Hoàng gia Anh hiện đã có đủ máy bay chiến đấu hay chưa và trong bối cảnh phi đội tiêm kích F-35 bị cắt giảm, nước Anh có đủ khả năng đương đầu với đối thủ trong trường hợp xảy ra chiến tranh-Đây là những băn khoăn được đặt ra trong báo cáo mà Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh mới công bố.
Theo Tạp chí Forbes, báo cáo nói trên nhấn mạnh tầm quan trọng của sức mạnh không quân đối với nước Anh và cho rằng, nước này cần một phi đội máy bay đủ lớn để thực hiện mọi nhiệm vụ cần thiết, chẳng hạn như tiến hành một chiến dịch tấn công mang tính quyết định, phô diễn sức mạnh toàn cầu hay nhanh chóng triển khai hoạt động viện trợ nhân đạo…
Mối quan tâm lớn nhất của những người soạn thảo báo cáo đó là tình trạng sụt giảm nhanh chóng số lượng máy bay trong biên chế của Anh kể từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Mặc dù không quân các nước đều đang dần thay thế các mẫu máy bay cũ bằng các loại mới hơn, nhưng sự sụt giảm của Anh được đánh giá là cao hơn nhiều so với những quốc gia khác ở châu Âu như Pháp, Đức hay Italy.
“Đã xuất hiện những câu hỏi nghiêm túc là liệu phi đội máy bay chiến đấu bị cắt giảm của Anh có thể ngăn chặn và phòng thủ thành công trước cuộc tấn công của đối phương hay không. Bộ Quốc phòng và Không quân Hoàng gia Anh phải khẩn trương giải quyết sự thiếu hụt về lực lượng chiến đấu này”, báo cáo nêu rõ.
Hiện nay, những chiếc F-35B được coi là trụ cột của phi đội tiêm kích Anh. Ưu điểm của dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 này là khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, phù hợp với các chiến dịch cả trên đất liền và lẫn trên biển. Ban đầu, Anh đặt kế hoạch sở hữu 150 chiếc tiêm kích F-35B, nhưng đến nay mới nhận được tổng cộng 48 chiếc và thêm 27 chiếc đang đặt hàng. Báo cáo nhấn mạnh, hiện vẫn chưa rõ Anh có đặt mua thêm những chiếc máy bay chiến đấu loại này hay không.
Tiêm kích F-35B tham gia một chuyến huấn luyện cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Ảnh: The Telegraph |
Giải thích về việc phi đội F-35B phát triển chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra, những người tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh nói rằng nguyên nhân là do vấn đề bảo trì. Tuy nhiên, cách giải thích này được cho là “chưa thỏa đáng”.
Một vấn đề khác được đặt ra, đó là những chiếc tiêm kích F-35B sẽ nằm thuộc về không quân hay hải quân Anh. Về lý thuyết, mỗi chiếc tàu sân bay mới của Anh có thể mang theo toàn bộ phi đội F-35B mà nước này đang sở hữu. Thế nhưng, nếu để số tiêm kích này đi theo các tàu sân bay của hải quân thì lực lượng không quân lại không có tiêm kích phục vụ cho các nhiệm vụ riêng của mình. Điều đó cũng dẫn tới những căng thẳng liên quan tới việc lực lượng nào có quyền sở hữu những chiếc F-35B.
Ngoài ra còn những vấn đề khác nảy sinh. Chẳng hạn, khi F-35B không thể thực hiện nhiệm vụ cùng một lúc thì chúng sẽ được sử dụng cho mục đích gì: Trinh sát, tấn công, tác chiến điện tử hay nắm ưu thế trên không?
Giải pháp đơn giản nhất cho những băn khoăn kể trên là mua thêm những chiếc F-35B. Đáp lại, Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Anh lưu ý rằng, giá mua lại mỗi chiếc F-35B đã giảm xuống còn hơn 101 triệu USD, nhưng chi phí bảo trì lại là vấn đề khác. Ủy ban này nêu rõ: “Dù giá mua lại máy bay có thể đã giảm, song chi phí bảo trì vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được”.
Theo tạp chí tin tức và phân tích quân sự UK Defence Journal, nhìn chung, báo cáo cho rằng vẫn còn đó sự mơ hồ trong kế hoạch liên quan tới phi đội máy bay chiến đấu F-35B của Anh, xét cả về quy mô cuối cùng, việc triển khai hoạt động và quyền quản lý phi đội này.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/rac-roi-huu-hinh-tu-phi-doi-tiem-kich-tang-hinh-cua-anh-746330
Ý kiến ()