Sau sáu ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đổi mới, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.Hội nghị đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020"; Nghị quyết về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; cho ý kiến về các Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2011; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Khóa XI; và một số vấn đề quan trọng khác.Tại Hội nghị này, Trung ương đã thẳng thắn thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao và thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về...
Sau sáu ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, đổi mới, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Hội nghị đã thảo luận và quyết định ban hành Nghị quyết về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; Nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; cho ý kiến về các Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2011; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2011; Báo cáo công tác tài chính Đảng năm 2011; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Khóa XI; và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại Hội nghị này, Trung ương đã thẳng thắn thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao và thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với ba nội dung trọng yếu: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đoàn kết, hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng.
Bối cảnh trong nước và tình hình trong nước hiện nay vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Mặt khác, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng ta, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Trong tình hình ấy, nếu Đảng ta không vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta đi lên”.
Chính vì vậy, Hội nghị quyết định phải tiếp tục tiến hành củng cố, xây dựng Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn, nhằm tạo ra bước chuyển biến mới trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định và mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động, củng cố tổ chức chặt chẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.
Hội nghị đã thống nhất tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào những việc cần thiết, cấp bách và có thể làm ngay trên cơ sở thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật, dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và phát huy trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không né tránh; phân tích sâu sắc, thuyết phục về những nguyên nhân chủ quan và khách quan; các giải pháp bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, bằng hành động cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí đề ra các nhóm giải pháp bao gồm: nhóm giải pháp về thực hiện gương mẫu của cấp trên; nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách và nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, muốn có được sức mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, đổi mới, chỉnh đốn, không ai có thể làm thay được. Cấp trên tự giác gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình. Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi; phòng chống tham nhũng lãng phí, quan liêu gắn với trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước của mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu phải gương mẫu và chịu trách nhiệm về các hiện tượng tham nhũng, lãng phí xảy ra tại đơn vị mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác xây dựng Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ…
Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020, Đại hội XI của Đảng xác định ba khâu đột phá chiến lược là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định ban hành Nghị quyết để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020. Hội nghị đánh giá, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn đến đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Nhờ đó hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai và bảo đảm an ninh – quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền,… Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều công trình chất lượng còn thấp, suất đầu tư cao. Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp.
Hội nghị đã chỉ ra nguyên nhân các hạn chế, yếu kém cả về chủ quan lẫn khách quan; các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng trong 10 năm tới. Về mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2020, Hội nghị xác định: Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư, giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ, bảo đảm cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững chủ quyền quốc gia, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân; cơ bản xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, với một số công trình hiện đại, đáp ứng yêu cầu năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Hội nghị cũng chỉ rõ những định hướng phát triển 10 lĩnh vực hạ tầng chủ yếu và định hướng các giải pháp thực hiện; yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về đầu tư, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp. Bế mạc Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Mỗi đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thật tốt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này”.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, biến quyết tâm thành hiện thực, đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()