Rà soát xử lý nghiêm cán bộ tiếp tay buôn lậu, hàng giả
Dù đã đạt được kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cần rà soát ngay trong nội bộ, siết chặt kỷ cương thi hành công vụ của cán bộ chống buôn lậu. Cần phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm đưa ra khỏi ngành các cán bộ vi phạm.
Phó Trưởng ban thường trực Ban 389 Đinh Tiến Dũng đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn. |
Đây là ý kiến của Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hảng giả (Ban 389), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại cuộc Giao ban và triển khai nhiệm vụ của Ban chỉ đạo 389 ngày 18/5.
Theo ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban 389 cho biết, ở biên giới phía bắc, nổi lên hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, pháo nổ, hàng hóa như: quần áo, hoa quả, nông sản, thực phẩm, các loại gia cầm, đặc biệt là xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả (tại Cao Bằng).
Các tỉnh biên giới miền Trung, tình trạng buôn lậu gỗ, ma túy, pháo (Hà Tĩnh), rượu ngoại, đường cát… diễn ra rất phức tạp (Quảng Trị).
Còn ở biên giới các tỉnh miền Tây Nam bộ, hoạt động vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại, đường cát vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ Long An và biên giới tỉnh An Giang.
Ông Đàm Thanh Thế cho biết, phương thức, thủ đoạn của đối tượng tinh vi hơn, manh động hơn. Ví dụ, ngày 22/12/2017 tại khu vực Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt đối tượng đã đâm ô tô làm 1 cán bộ Thuế hy sinh, ngày 7/3/2018 tại Bình Dương đã phát hiện, bắt giữ 3 đối tượng về hành vi vận chuyển 12.850 bao thuốc lá hiệu 555 nhập lậu, đối tượng đã chống đối, tông xe vào lực lượng chức năng khiến 06 chiến sỹ bị thương….
Còn tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, nhiều vụ vi phạm bị phát hiện tập trung chủ yếu vào các loại hàng cấm, hàng hóa gọn nhẹ có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như: Vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà… Tình trạng lợi dụng hình thức quà biếu, hàng xách tay trốn thuế và thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ cũng diễn ra phổ biến.
Tại các tuyến biển đường biển, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng còn diễn biến phức tạp, trọng điểm là tại vùng biển các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau…
Các đối tượng trong nước móc nối, trực tiếp liên lạc với các chủ đầu nậu ở nước ngoài để vận chuyển xăng, dầu với số lượng lớn, khi phương tiện đến lãnh hải Việt Nam thì tổ chức sang mạn vận chuyển lên các tàu của Việt Nam. Cá biệt, có tàu quốc tịch nước ngoài tổ chức sang mạn trên vùng biển Việt Nam (lực lượng Cảnh sát biển đang tạm giữ 2 tàu nước ngoài sang mạn với số lượng khoảng 7 triệu lít dầu, hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ).
Trong thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu còn diễn ra nhiều nơi. Đặc biệt là tại các đô thị, thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, đáng chú ý trong 4 tháng đầu năm, nổi lên tình trạng sản xuất, tiêu thụ thuốc, thực phẩm chức năng, đồ ăn, nước uống giả, kém chất lượng, gây bức xúc đối với quần chúng nhân dân như vụ công ty TSC tại Hà Nội, vụ Vinaca tại Hải Phòng, vụ pin trộn tiêu tại Đăk Nông…
Sau khi Ban Chỉ đạo 389 quốc gia triển khai Kế hoạch công tác năm 2018, các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực đã triển khai kế hoạch công tác năm 2018 phù hợp với tình hình của đơn vị. Một số đơn vị chức năng đã chủ động xác định địa bàn, tuyến trọng điểm, dự kiến những hiện tượng, tình huống vi phạm có thể phát sinh để xây dựng phương án đấu tranh, chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đạt hiệu quả.
Số liệu sơ bộ quý I năm 2018, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 45.949 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt hơn 4.062 tỷ đồng, khởi tố 642 vụ (tăng 51,77% so với cùng kỳ năm 2017), 754 đối tượng (tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017).
Các đơn vị phối hợp đã đánh giá các kết quả và vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, tình hình buôn lậu qua các đường mòn lối mở diễn biến phức tạp. Thậm chí mặt hàng thuốc lá lậu, chủ buôn lậu có nhà máy đặt bên kia bên giới sản xuất hàng chủ yếu xuất lậu sang Việt nam. Còn lực lượng chặn bắt chủ yếu là người vận chuyển, chủ yếu bà con nghèo tham gia vận chuyển, buôn lậu, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề, trong khi đó vẫn gây thất thu cho ngành công nghiệp thuốc lá trong nước.
Nhu cầu trong nước đặc biệt phía nam thì tình hình buôn lậu vẫn tiếp diễn, điều này đặt ra yêu cầu nên chăng cần có nghiên cứu về cơ chế chính sách căn cơ lâu dài.
Với nhóm hàng giả, gian lận thương mại từ biên giới phía bắc, có sự tiếp tay của cả chính doanh nghiệp Việt Nam, hàng nhập vào dán nhãn hiệu đầy đủ, hàng về từ bên kia biên giới nếu có bị bắt cũng chỉ bắt các xe và người vận chuyển.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo, thời gian qua, nổi lên tình trạng nguy hiểm về nhập lậu hàng phế liệu, các đối tượng “chạy” giấy tờ, cơ quan kiểm soát thông đồng nhập nhèm câu chữ để nhập phế liệu.
“Cơ quan Hải quan đang có các biện pháp siết chặt quản lý, tuy nhiên nếu không có chính sách vào cuộc đồng bộ, không cẩn thận chúng ta thành nơi xả rác môi trường của nước láng giềng”, ông Nguyễn Văn Cẩn cảnh báo.
Dù có những ổ nhóm bị triệt phá nhưng chủ yếu vẫn bắt được các đối tượng trung gian vận chuyển, chưa triệt phá được nhiều đầu nậu “chủ buôn”. Tình hình buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, pháp nổ, gỗ, ma tuý, tạm nhập tái xuất diễn biết phức tạp.
“Dù lực lượng chức năng các ngành nỗ lực phối hợp nhưng không thể làm thay các địa phương, quan trọng nhất phải có sự phối hợp tích cực từ các bộ, ngành địa phương”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Phó trưởng ban thường trực cũng chỉ ra, trong quá trình buôn lậu, hàng giả từ biên giới phía bắc thậm chí có sự thông đồng của các doanh nghiệp của Việt Nam. Hơn nữa, cần rà soát ngay trong nội bộ, siết chặt kỷ cương thi hành công vụ của cán bộ chống buôn lậu. Các cán bộ vi phạm cần phải có chế tài mạnh, xử lý nghiêm trước pháp luật, đưa ra khỏi ngành.
“Các cơ quan như Thuế, Hải quan ngoài việc siết chặt hậu kiểm phải gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ tiếp cận phương thức quản lý hiện địa, tiếp cận phương pháp hiện đại. Trong thời gian tới khi triển khai rộng rãi hoá đơn điện tử, sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ hơn, giảm thiểu tiêu cực”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()