Rà soát việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội
12/12 chỉ tiêu dự kiến đạt hoặc vượt kế hoạch
Năm 2018, nền kinh tế nước ta có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với mặt với một số khó khan, thách thức. Kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi, nhưng cũng xuất hiện những rủi ro, khó lường do căng thẳng chính trị ở một số nơi, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và một số nền kinh tế lớn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, giá dầu thô tăng mạnh cùng những biến động về lãi suất, tỷ giá trên thị trường tiền tệ thế giới, tạo sức ép không nhỏ đối với điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Hội nghị trực tuyến Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các địa phương. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Do thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đã nỗ lực góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra. Dự kiến năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm đã đề ra.
Theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tạo nền tảng tái cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7% chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Mô hình tăng trưởng dịch chuyển dần sang chiều sâu. Chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%, thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Các chính sách tài khoá, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, kịp thời, giữ vững được sự ổn định tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên; nợ công giảm từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ngân sách ước đạt 3,67% (mục tiêu Quốc hội giao là 3,7%); cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3% bằng 34% GDP, đạt mở mức cao, mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao giải ngân vốn FDI đạt khá, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng.
Đáng chú ý, năng suất lao động tăng lên, cơ cấu lại nền kinh tế có bước chuyển biến tương đối rõ nét, thục chất hơn trong các ngành, lĩnh vực; đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết những tồn tại cố hữu của kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, phát huy hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng…thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Cần tận dụng tốt cơ hội để tăng trưởng và cải cách thể chế
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc kinh tế phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực thể hiện các bước phát triển vượt bậc của nền kinh tế, cho thấy sự dịch chuyển đúng hướng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị. Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Tuy tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2018 là tích cực, nhưng theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi, thảo luận các biện pháp điều hành để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2019.
Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề tang trưởng kinh tế, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, thu hút FDI, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như việc xây dựng thể chế, mà cụ thể là sửa đổi Luật Đầu tư công, xây dựng Luật sửa đổi các Luật về Quy hoạch; Luật về hợp tác công tư (PPP)…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, năm 2019, cần xác định là thời điểm phải duy trì đà tăng trưởng tích cực, dù bối cảnh thương mại quốc tế có diễn biến phức tạp (chiến tranh thương mại giữa các nước lớn), chủ nghĩa bảo hộ trở lại cũng mang lại nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam, vốn là một nền kinh tế độ mở cao.
“Tuy nhiên, trong thách thức có cơ hội, quan trọng là phải nhìn ra và nắm bắt. Các địa phương cần bám sát các chỉ đạo, mục tiêu của Chính phủ, đặc biệt tận dụng đổi mới, sáng tạo, để bứt phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về vấn đề đầu tư công, hiện đã thực hiện khoảng 1/2 kế hoạch trung hạn, việc ra đời Luật sửa đổi là quan trọng để khắc phục bất cập, tuy nhiên, việc triển khai lại đang gặp khó khăn.
“Lần đầu triển khai gặp vướng mắc, quan trọng là cần phải tổng hợp bất cập, để trình Quốc hội Luật Đầu tư công sửa đổi vào kỳ họp thứ 6 này”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Riêng về giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên tiến độ vẫn chưa đạt theo yêu cầu (mới được 40%).
“Giải ngân chậm là do triển khai thực hiện, cần phải tập trung tháo gỡ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần linh hoạt xử lý. Những điểm vướng liên quan đến cơ chế chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, xử lý tháo gỡ trong thời gian tới“, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Về xây dựng thể chế, lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Luật Quy hoạch đã ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng triển khai không đơn giản vì khối lượng các văn bản, quy định hướng đẫn kèm theo rất lớn. Ngoài ra, có nhiều vấn đề phải xin ý kiến cấp cao hơn như, ví dụ như cách thức phân vùng lãnh thổ để lập quy hoạch vùng khác với trước kia. Ví dụ như trước kia phân theo địa lý gần nhau, chứ chưa tính đến việc khả năng liên kết, tác động lan toả đến nhau.
Về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết đang chuẩn bị tích cực cho Hội nghị tổng kết 30 năm đầu tư FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu, đóng góp không thể phủ nhận, thì vẫn có nhiều vấn đề cần phải thay đổi. Trước hết là cần đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tránh tình trạng “cam kết hàng chục tỷ nhưng thực hiện không quyết liệt, không làm được” .
Được biết, nếu thông thường trước đây, vào thời điểm này hàng năm, các địa phương sẽ tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo báo về tình hình phát triển – kinh tế xã hội năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm sau. Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, thì sẽ làm theo quy mô từng vùng.
“Đã có 3 hội nghị tổ chức ở 3 vùng, đây là thời điểm rất quan trọng để kiểm điểm, thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 2018, đề ra các giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm, cũng như chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc triển khai hội nghị trực tuyến lần này chính là một bước đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch.
Tại Hội nghị lần này, đại diện các địa phương trên cả nước đã trao đổi trực tuyến nhiều vấn đề làm được cũng như khó khăn vướng mắc. Một số vấn đề các địa phương kiến nghị chưa giải đáp hết tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp trao đổi, xử lý đầy đủ. Đây là một trong những cách thức triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội đã đặt ra, cũng như chuẩn bị cho lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()