Rà soát văn bản chồng chéo, Bộ Tư pháp kiến nghị nhiều nội dung
Tính đến hết ngày 25/5, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của 18/21 bộ, cơ quan ngang bộ và 37/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát văn bản chồng chéo. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đang dự thảo báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung lớn trong công tác này.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đối với các văn bản quy phạm pháp luật được đề cập tại Báo cáo số 442/BC-CP đã được các bộ, ngành thống nhất về nội dung, xác định rõ thời hạn, tiến độ xử lý: Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành các Danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để xử lý dứt điểm kết quả rà soát văn bản, làm cơ sở để các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện việc đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.
Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình được nêu tại các Phụ lục kèm theo Báo cáo này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xem xét, nghiên cứu trong quý III/2021.
Bộ Tư pháp tiếp tục tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của bộ, ngành, địa phương có báo cáo kết quả rà soát sau ngày 20/5/2021, chuyển đến các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật gây mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn thuộc các chuyên đề, lĩnh vực rà soát chuyên sâu theo Kế hoạch hoạt động năm 2021.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và phối hợp với Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập tại các văn bản này theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, Chính phủ giao: “Trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo trước ngày 15/5/2021 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quyết định và Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối tháng 5/2021 và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo”. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan liên quan, Bộ Tư pháp đã tổng hợp, phân loại, theo đó tổng số văn bản được đề xuất, kiến nghị là 435 văn bản, bao gồm: 84 luật, 01 nghị quyết của Quốc hội, 03 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 192 nghị định, 18 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 137 văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành. Trong đó nhiều kiến nghị, đề xuất tập trung vào một số luật, nghị định như: Luật Đất đai, Luật Công chứng, Luật Khoáng sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Xây dựng… |
Ý kiến ()