Rà soát, rút gọn điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam".
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, danh mục trong Luật Đầu tư năm 2014 đã được điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất quán với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nhưng vẫn không thể khẳng định danh mục hiện tại đã là hoàn hảo.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù các luật pháp, chính sách của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên, điều kiện kinh doanh vẫn còn gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nên cần phải có giải pháp rà soát và rút gọn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cũng chỉ ra, vì không có chuẩn chung để đánh giá tính hợp lý, cần thiết của các quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện… nên xảy ra hiện tượng nhiều ngành nghề lẽ ra không cần phải kiểm soát bằng điều kiện nhưng vẫn xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này khiến cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bị hạn chế.
Theo kết quả nghiên cứu, Luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Bộ Công Thương có 28 ngành, Bộ Giao thông vận tải có 29 ngành, Bộ Tài chính có 22 ngành… Tổng cộng có 5.719 điều kiện kinh doanh cụ thể. Có thể thấy số lượng điều kiện kinh doanh vẫn tương đối lớn.
Về vấn đề này ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) nhận định, trong danh mục này vẫn còn nhiều ngành, nghề không phù hợp. Đáng chú ý một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đây là những ngành, nghề kinh doanh thông thường; các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến: quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển…).
Trong khi đó, một số ngành, nghề khác có thể thay bằng biện pháp quản lý khác thay vì điều kiện đầu tư kinh doanh. Những ngành này cần sự quản lý của Nhà nước bởi điều kiện kinh doanh không phải là công cụ quản lý tốt nhất. Tiêu biểu như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra…
Vì thế, báo cáo rà soát của VCCI đã rút ra là có 16 ngành, nghề chưa phù hợp đưa vào danh mục trong đó gồm: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; Xuất khẩu gạo; Logistics; Bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô; Kinh doanh dịch vụ lữ hành…. Đồng thời, 10 ngành nghề kinh doanh có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như: Nhượng quyền thương mại; Kinh doanh thuỷ sản; Kinh doanh phân bón; Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật…
Trước thực trạng trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng trong thời gian tới, việc rà soát vẫn tiếp tục phải thực hiện bởi trên thực tế, nhiều điều kiện kinh doanh không chỉ nằm ở Thông tư mà còn nằm ở Nghị định, Luật. Đây sẽ là giải pháp giúp thúc đẩy kinh doanh mà chưa cần tới các giải pháp khác.
Chia sẻ tại hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho hay, có thể thấy với 10 điều kiện kinh doanh được giảm thì lại có 7 điều kiện kinh doanh khác tăng thêm.
Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được ban hành kèm theo Luật Đầu tư, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung năm 2016 vẫn còn nhiều bất cập. Việc giảm 267 xuống 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không có nghĩa là sau 2 năm đã giảm được 24 ngành, nghề, mà phần lớn là giảm do sắp xếp lại, thay đổi từ ngữ và sáp nhập một số ngành, nghề vào nhau.
Hơn nữa, nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn rất mơ hồ. Hiện không thể phân biệt nổi ngành, nghề kinh doanh nào thuộc một trong 3 nhóm “kinh doanh thực phẩm” thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172) hay của Bộ Y tế (Mục 194).
Chính vì thế, các doanh nghiệp và các chuyên gia tại hội thảo đều mong muốn bản báo cáo rà soát của VCCI và những kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan Nhà nước lắng nghe, để có những sửa đổi tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()