Rà soát luật để tránh “vênh” với các cam kết thương mại quốc tế
Do dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ chỉ thảo luận và thông qua ngay tại Kỳ họp này nên một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần rà soát kỹ các nội dung liên quan tới cam kết quốc tế.
Chiều 20/5, phiên thảo luận đầu tiên của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội diễn ra tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Ghi nhận của Báo điện tử Chính phủ tại Tổ số 11, đại biểu Vương Đình Huệ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng dự thảo sẽ được Quốc hội thông qua trong 1 kỳ họp để đáp ứng việc thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, quan điểm về chỉ dẫn địa lý (quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ) trong CPTPP khác so với quan điểm trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trong khi Việt Nam cũng chuẩn bị ký kết EVFTA.
Do đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị Uỷ ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo rà soát lại hệ thống chỉ dẫn địa lý với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và chuẩn bị ký để xác định rõ các quan điểm khác biệt, tránh việc chỉnh sửa Luật đáp ứng được yêu cầu của hiệp định này nhưng vẫn khác biệt so với nội dung của hiệp định khác.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đồng thời cũng là Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về hội nhập kinh tế quốc tế, cho rằng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, pháp luật của ta xử lý tranh chấp bằng hành chính nhưng quốc tế coi vi phạm là vấn đề hình sự. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan đàm phán để Việt Nam bảo lưu khá lâu các vấn đề liên quan tới pháp luật, đào tạo để đáp ứng yêu cầu khi hội nhập.
Do đó, ông Vương Đình Huệ cho rằng các cơ quan thẩm tra và soạn thảo cần rà soát thêm cả về pháp luật với các luật hải quan, hình sự, tố tụng hình sự,… có liên quan tới sở hữu trí tuệ. Mặt khác, trong báo cáo đánh giá tác động cũng cần yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tạo điều kiện cần thiết để áp dụng các cam kết về sở hữu trí tuệ.
“Nếu hải quan không nắm được các quy định về sở hữu trí tuệ thì khó tác nghiệp. Ngay cả Toà cũng thế, sẽ khó phán xử”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Trong khi đó tại đoàn Quảng Ngãi, đại biểu Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao nhận định, kinh doanh bảo hiểm và sở hữu trí tuệ là 2 vấn đề có hiệu lực ngay khi Việt Nam thi hành CPTPP. Dự thảo luật đã nêu khá đầy đủ các loại hình vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ, song những nội dung xử lý, quy trình thủ tục và cách thức tiến hành hay chế tài xử lý vi phạm vẫn còn chưa cụ thể.
Do vậy ông Nguyễn Hoà Bình đề nghị cần có sự tham vấn của các chuyên gia tư pháp để có góc nhìn đa chiều hơn để hoàn thiện luật, tránh được nhiều khe hở của luật hiện hành.
Về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải đưa toàn bộ các loại hình dịch vụ phụ trợ cho kinh doanh bảo hiểm vào trong luật. Do đó, ông Bình đề nghị cần rà soát xem các hoạt động hỗ trợ bảo hiểm đã được liệt kê chưa, có các hình thức nào để kiểm soát được hay không.
“Ví dụ hoa hồng bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ thì hoa hồng là rất lớn. Lớn tới mức hiện nay nhiều trường hợp ta đang sử dụng nhiều quyết định hành chính để can thiệp, để ngăn cản…dẫn tới một loạt vụ án hình sự phát sinh do quy định về hoa hồng bảo hiểm”, ông Bình dẫn chứng.
Ý kiến ()