Rà soát kỹ các nội dung khi dùng một luật để sửa nhiều luật
Ngày 6/1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV sang ngày làm việc thứ hai, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ.
Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu đều tán thành ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết các trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; nhất trí quan điểm ban hành một luật để sửa nhiều luật. Tuy nhiên, các đại biểu lưu ý cần dành nhiều thời gian để rà soát kỹ thêm các nội dung còn bất cập ở các luật nêu trên để khi dự án luật được ban hành sẽ giải quyết được dứt điểm những thiếu sót, đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh “sửa đi sửa lại” nhiều lần.
Các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội); Hoàng Văn Cường (Hà Nội); Vũ Huy Khánh (Bình Dương)… cho rằng, các nội dung sửa đổi của Luật Đầu tư công đang được xây dựng trên tinh thần thể hiện tính phân cấp, phân quyền cho địa phương, qua đó thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Chính phủ, không còn tình trạng “giữ quyền”, là một hướng đi đúng đắn. Trong Luật Đầu tư công, cần có quy định khi cần thiết, cho phép được tách dự án sau khi có phê duyệt chủ trương đầu tư cả dự án. Tách dự án sẽ tránh phải giải phóng mặt bằng tràn lan, đầu tư không hiệu quả, làm rõ trách nhiệm của đơn vị thực hiện, đánh giá rõ hiệu quả đầu tư của dự án.
Đối với việc thực hiện các dự án liên quan đất di tích lịch sử, ý kiến thảo luận của nhiều đại biểu cho rằng nên phân quyền cho địa phương nhưng quá trình thực hiện dự án vẫn phải xin ý kiến của cơ quan chức năng quản lý, tránh “đẩy việc” lên xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cần rà soát thật kỹ lưỡng các khu vực có đất di tích lịch sử để làm rõ vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị, tránh bảo tồn cứng nhắc gây kìm hãm sự phát triển chung.
Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là việc mở rộng thêm quy định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất có thể làm tăng mạnh trường hợp chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích kinh doanh, khiến quỹ đất đối mặt nguy cơ thất thoát. Trước đây, chỉ có đất ở mới được chuyển sang xây dựng nhà ở, sau khi thay đổi đã cho phép có đất ở và đất khác được chuyển đổi xây dựng nhà ở, xuất phát từ nhu cầu thực tế phát triển thị trường đất ở, nhà thương mại. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, khi cho phép chuyển đổi, phải tính tới việc thiết lập cơ chế giá minh bạch, công khai để đơn vị sử dụng khu đất chuyển đổi mục đích phải nộp mức tiền theo giá của thị trường chứ không nộp theo khung giá nhà nước.
Một số đại biểu cho rằng, trong Luật Đấu thầu hiện hành có nhiều hạn chế, thậm chí có những nội dung cản trở quá trình đầu tư. Điển hình là quy định về tổ chức đấu thầu công khai trên mạng internet, nhưng tỷ lệ nhà đầu tư tham gia không nhiều, nhiều gói thầu chỉ có một nhà đầu tư tham gia vì cách thức đấu thầu phức tạp. Bởi vậy, dự án luật phải rà soát kỹ lưỡng để khi sửa đổi, bổ sung có thể khắc phục được những bất cập, tạo đà phát triển kinh tế.
Về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, nhiều đại biểu khẳng định: Đây là chính sách thiết thực, quan trọng, đóng vai trò “xương sống” của công tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh), Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) và một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về những vấn đề liên quan như quy trình, thủ tục, tiến độ triển khai gắn với đánh giá tác động từ đại dịch Covid-19. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu và đưa ra giải pháp kỹ thuật đối với những vấn đề dễ phát sinh, như: công tác giải phóng mặt bằng, tác động tới diện tích rừng, khoảng cách giữa các trạm thu phí, phương án đặt đường dân sinh…, tuyệt đối không để chậm trễ, kém chất lượng rồi lại viện dẫn lý do chủ quan, khách quan.
Liên quan dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, nhiều đại biểu đánh giá đây là giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy lợi thế, tiềm năng, biến thành phố Cần Thơ thành “đầu tàu” kinh tế của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Những nội hàm trong dự thảo không làm ảnh hưởng đến nguồn tài chính quốc gia, ngân sách trung ương, không làm tăng nợ công, không có nguy cơ làm mất cân đối, sự ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để ban hành các cơ chế giám sát, bảo đảm tính khả thi cao nhất của đề án, xây dựng niềm tin cho cử tri, nhân dân.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị cần làm rõ hơn về thời hạn hiệu lực của các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi dành cho thành phố Cần Thơ. Bởi theo dự thảo Nghị quyết, việc thí điểm sẽ khép lại vào năm 2025. Trong khi đó, các thủ tục triển khai thí điểm như thông lệ thường kéo dài, có trường hợp tới 2-3 năm, chưa tính tới yếu tố tiêu cực từ dịch Covid-19.
Hiện nay, trong công tác thi hành án dân sự, các tranh chấp dân sự, thương mại ngày càng nhiều. Thống kê mới đây cho thấy, có tới gần 400.000 đến 500.000 vụ/năm. Các tranh chấp càng nhiều càng cho thấy cơ quan quản lý nhà nước đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng vẫn còn nhiều bất cập. Có trường hợp bản án đúng pháp luật nhưng không khả thi. Để thu hồi tài sản hiệu quả, ngay từ giai đoạn điều tra phải xác định được tài sản liên quan đến thi hành án để áp dụng biện pháp cần thiết.
Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương)
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 còn nhiều nội dung chưa đủ “độ chín”. Cụ thể, chưa có tính toán khả thi về việc chồng tuyến, nối tuyến, nhất là những đoạn qua các tỉnh thường xuyên phải chịu thiên tai ở miền trung; chưa có đánh giá tác động đến quy hoạch mạng lưới đường bộ tổng thể của quốc gia nói chung, các vấn đề dễ phát sinh trong triển khai dự án nói riêng. Các cơ quan soạn thảo dự án cần đưa ra thêm những giải pháp kỹ thuật chi tiết hơn, nhất là về diện tích rừng phải xử lý để làm đường, khoảng cách đặt trạm thu phí, chi phí và tiến độ giải phóng mặt bằng, đời sống người dân.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre)
Tôi băn khoăn về nguồn lực triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Trước đây, chúng ta cũng từng có nghị quyết phát triển thành phố này, nhưng khi tổng kết sau 15 năm triển khai lại chưa thấy nhiều kết quả nổi bật. Dự thảo nghị quyết thí điểm lần này chưa đưa ra những con số cụ thể về nguồn lực, tỷ lệ đầu tư và đang cho thấy dấu hiệu “rập khuôn” từ một số tiền lệ. Các chính sách ưu tiên về tài chính của dự thảo cũng chưa đủ thuyết phục, chưa rõ tính khả thi, thậm chí có nguy cơ tạo ra sự thiếu công bằng trong khu vực.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội)
Ý kiến ()