Rà soát kỹ các dự án phát triển vật liệu xây dựng, tránh cung vượt cầu
Trước sức ép phát triển vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành phố đề nghị khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án liên quan, tránh cung vượt cầu.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết theo mục tiêu trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050, tổng công suất đầu tư các loại sản phẩm xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng hiện đã tiệm cận mục tiêu năm 2025.
Trong khi đó, sản lượng sản xuất mới đạt khoảng 80-85% công suất thiết kế, sản lượng tiêu thụ thấp hơn so với sản lượng sản xuất.
Cụ thể, về lĩnh vực xi măng, tính đến 31/12/2020, tổng số dây chuyền sản xuất đã đầu tư là 85, với tổng công suất khoảng 104,04 triệu tấn/năm. Các dây chuyền đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đến năm 2030 là 24 với tổng công suất 36,31 triệu tấn.
“Như vậy, dự kiến đến năm 2030, cả nước sẽ có 109 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng clanhke và xi măng sản xuất năm 2020 khoảng 104 triệu tấn; tiêu thụ trong năm 2020 khoảng 100 triệu tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 62 triệu tấn; xuất khẩu khoảng 38 triệu tấn,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin.
Về lĩnh vực gạch ốp lát, tính đến hết năm 2020, cả nước đã có 83 nhà máy sản xuất gạch ốp lát được đầu tư với tổng công suất khoảng 826 triệu m2/năm. Trong đó, có 57 nhà máy sản xuất gạch ceramic, tổng công suất 608 triệu m2/năm; 21 nhà máy sản xuất gạch granite, tổng công suất 182 triệu m2/năm; 5 nhà máy sản xuất gạch cotto, tổng công suất 31 triệu m2/năm.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy tổng sản lượng gạch ốp lát sản xuất năm 2020 đạt khoảng 560 triệu m2, trong đó gạch ceramic khoảng 420 triệu m2; granite 120 triệu m2 và cotto khoảng 20 triệu m2. Tổng sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2020 khoảng 465 triệu m2, trong đó gạch ceramic khoảng 340 triệu m2; granite 100 triệu m2 và cotto khoảng 25 triệu m2. Giá trị xuất khẩu khoảng 180 triệu USD.
Dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty cổ phần xi măng Thăng Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Đối với lĩnh vực kính xây dựng, tính đến hết năm 2020, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 5.120 tấn/ngày (tương đương 355 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm), trong đó kính nổi là 3.370 tấn/ngày (tương đương 235 triệu m2) và kính cán là 700 tấn/ngày (tương đương 48 triệu m2), kính siêu trắng 1.050 tấn/ngày (tương đương 72 triệu m2).
Theo đó, sản lượng sản xuất kính xây dựng năm 2020 đạt khoảng 280 triệu m2. Sản lượng kính phẳng tiêu thụ khoảng 200 triệu m2, hiện tại một số đơn vị sản xuất kính đã phải tạm dừng sản xuất trên một số dây chuyền.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết căn cứ vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực tế sản xuất, Bộ Xây dựng đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất các sản phẩm xi măng, gạch ốp lát, kính xây dựng… cần cân nhắc tránh việc đầu tư tràn lan, dẫn đến cung vượt cầu, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Riêng đối với lĩnh vực xi măng, thực hiện theo Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc “tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản,” Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương hạn chế việc đầu tư mở rộng, nâng công suất các dự án xi măng tại các thành phố lớn, khu vực tập trung dân cư, các khu vực cảnh quan, môi trường thiên nhiên cần được bảo vệ.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 09/2021/NĐ-CP của Chính phủ./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()